Neo đậu tàu du lịch trên sông Hương (Thừa Thiên - Huế) tránh lũ. Ảnh minh họa: Quốc Việt/TTXVN |
Thừa Thiên - Huế yêu cầu chủ các hồ chứa xả nước về hạ du đúng quy trình
Ngày 10/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức họp đánh giá công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 12, triển khai các phương án đối phó với bão số 13.
Đề phòng khả năng sẽ có đợt mưa lớn do bão số 13 gây ra trong những ngày tới, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các Ban Quản lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện Tả Trạch, A Lưới, Hương Điền và Bình Điền, từ 13 giờ ngày 10/11 điều tiết xả nước về vùng hạ du theo quy trình được phê duyệt.
Để ứng phó với cơn bão số 13, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị, các sở, ngành và Ban quản lý các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong điều tiết mực nước hồ chứa; lưu ý việc điều hành và điều tiết phải hợp lý, chủ động, bám sát dự báo lượng mưa để tính toán kỹ mực nước nhằm đảm bảo an toàn hồ đập.
Các địa phương tiếp tục rà soát vùng ngập lụt, vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở để thực hiện công tác di dân, nhất là các hộ dân ở vùng biển để phòng tránh bão số 13; tiếp tục cấm tàu thuyền ra khơi và kêu gọi tàu thuyền vào nơi trách trú an toàn.
Bên cạnh đó, các địa phương và ngành chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời cứu đói cho những hộ dân vùng thấp trũng, ngập nước, còn bị cô lập và kiểm tra lượng hàng dự trữ để bảo quản và cấp phát cho người dân kịp thời cho những ngày mưa lũ.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Trong đợt mưa lũ do bão số 12 gây ra vừa qua, việc điều tiết mực nước các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện để giảm và cắt lũ cho vùng hạ du tại Thừa Thiên - Huế được thực hiện khá tốt, không có đột biến lũ trên sông Hương và sông Bồ.
Thái Bình lên phương án tiêu úng đề phòng mưa lớn
Ngày 10/11, để chủ động ứng phó với cơn bão số 13 - bão Haikui, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp và các ngành địa phương đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, chuẩn bị phương án tiêu úng đề phòng mưa lớn, gây ngập hoa màu, bảo vệ sản xuất vụ Đông các khu vực trũng, thấp. Cùng với đó, kiểm tra, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây lớn, chằng chống cây cối, nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở ven sông, ven biển.
Các địa phương, đơn vị khẩn trương giải phóng các vật liệu, hàng hóa có tải trọng lớn trên các triền đê phía sông, các lồng bè trái phép không trong quy hoạch, các loại vật cản trên sông, trên hệ thống mương tiêu...; tổ chức thông báo, kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền; thường xuyên giữ liên lạc với các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, cường độ và hướng di chuyển của bão, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm và khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn.
Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát và khẩn trương xử lý những sự cố hư hỏng của đê, kè, cống do bão số 10 và đợt mưa lũ vừa qua gây ra; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện tại các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống để kịp thời xử lý khi sự cố xảy ra; duy trì lực lượng, phươg tiện cứu hộ, cứu nạn để khẩn trương ứng cứu khi có yêu cầu; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo trên các phương tiện thông tin, các cấp chính quyền và người dân, các chủ hộ nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, ven biển biết diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh...
Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình quán triệt, nếu để xảy ra sự cố đê điều, cản trở dòng chảy, thoát lũ, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật.