Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, mặc dù các địa phương đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn phát sinh mạnh. Nguyên nhân có thể do thời tiết diễn biến bất thường nên dịch bệnh có điều kiện để bùng phát mạnh.
Đầu tháng 5 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 5 hộ, bình quân mỗi ngày buộc phải tiêu hủy 6.200 con lợn. Cũng trong giai đoạn này, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhiễm, buộc phải tiêu hủy đàn nuôi của hơn 30 hộ chăn nuôi quy mô từ 200 con trở lên, có áp dụng biện pháp an toàn sinh học.
Tính riêng ngày 22/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh trên đàn nuôi của 574 hộ tại 17 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 8.756 con, với tổng trọng lượng gần 598 tấn.
Địa phương có số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy lớn như: Huyện Đông Anh 1.280 con, huyện Sóc Sơn 1.260 con, huyện Phúc Thọ 1.237 con, huyện Thường Tín 1.015 con…
Như vậy, từ ngày 24/22 đến 22/5, thành phố Hà Nội buộc phải tiêu hủy 187.661 con lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi (chiếm 10,03 % tổng đàn) với trọng lượng gần 12.869 tấn.
Để ứng phó với tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của các cấp, các ngành; huy động các lực lượng của địa phương (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân…) để tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để…
Còn tại Hậu Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang khảo sát các ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn để chủ động việc chống dịch. Cụ thể là ổ dịch tại huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy; trong đó, ổ dịch tại xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A đã qua 30 ngày, kể từ ngày tiêu hủy cuối cùng không phát sinh ổ dịch mới.
Tại ổ dịch đã khống chế thành công thuộc xã Nhơn Nghĩa A, ông Lê Tiến Châu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu địa phương thống kê đàn lợn trên địa bàn, tiếp tục thực hiện chặt chẽ khâu tiêu độc khử trùng, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.
Khảo sát tại các ổ dịch trên địa bàn huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, nơi nào có dịch phải tập trung chống dịch. Các trạm kiểm dịch túc trực 24/24 để kiểm soát vận chuyển, giám sát chặt chẽ tình hình ra vào vùng có dịch, không để dịch lan rộng. Chính quyền cơ sở phải phối hợp chặt chẽ với người dân, ngành thú y làm đúng quy trình phòng ngừa, xử lý khi có dịch.
Ông Châu yêu cầu các địa phương kiểm đếm, thống kê, báo cáo tình hình kịp thời, chính xác để đánh giá đúng nguy cơ; trong quá trình phòng chống dịch, phải chỉ đạo cơ sở tìm hiểu nguyên nhân lây lan mầm bệnh để ngăn chặn hiệu quả. Hiện cả hệ thống chính trị địa phương đã vào cuộc bằng nhiều biện pháp để tập trung dập dịch, người dân cũng tích cực hỗ trợ chính quyền trong khâu xử lý dịch bệnh, chôn lấp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các địa phương nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch; tăng cường tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dịch để người dân chủ động phòng, chống...
Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã phát hiện 12 ổ dịch/12 hộ chăn nuôi ở 5 ấp của 5 xã tại các huyện Vị Thủy, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy. Đối với 2 ổ dịch xảy ra ngày 11/4 tại xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A (đã qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy cuối cùng) trong xã không phát sinh ổ dịch mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 23/5, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi và khống chế dịch lở mồm long móng trên đàn lợn vốn lây lan ra nhiều địa phương suốt thời gian qua.
Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 4 hộ dân ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng từ tháng 3 và tháng 4/2019 với 45 con lợn bị bệnh. Đến nay, địa phương đã dập được dịch. Huyện Hải Lăng đã công bố hết dịch này trên địa bàn. Đầu tháng 5/2019, ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 1 hộ ở phường 3, thành phố Đông Hà với 28 con lợn bị bệnh nhưng đến nay đã được kiểm soát, không phát sinh thêm ổ dịch.
Tỉnh đã thành lập 7 chốt kiểm dịch động vật liên ngành; trong đó có 3 chốt trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh; thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh đoạn qua đường Hồ Chí Minh, tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh từ các tỉnh phía Bắc; đồng thời, lập 1 chốt kiểm dịch động vật ở phía Nam huyện Hải Lăng, để ngăn ngừa dịch bệnh từ tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Đối với dịch lở mồm long móng, trong những tháng đầu năm 2019 đã xảy ra ở 15 xã, thị trấn của 6 huyện, thị xã gồm: Vĩnh Linh, Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị. Tổng số lợn mắc bệnh này là trên 1.190 con.
Ngành thú y tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: tiêm vắc xin lở mồm long móng; cung cấp cho các địa phương vắc xin để tiêm phòng, hóa chất để tiêu độc khử trùng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ; tuyên tuyền, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Do đó, dịch này đã được khống chế…
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Văn Lộc, đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn. Tuy nhiên qua xác minh có 7/12 hộ nuôi lợn bị xảy ra dịch tả lợn châu Phi đã tận dụng nguồn thức ăn dư thừa để nuôi lợn.
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã ghi nhận hơn 10 ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 4 huyện, thị trong tỉnh gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng và huyện Đồng Phú. Theo đó, đã có gần 270 con lợn bị tiêu hủy chôn lấp với số lượng gần 13 tấn.
Hiện nay tổng số lượng lợn đang nuôi tại tỉnh là hơn 660.000 con; trong đó, trang trại có số lượng hơn 500.000 con, còn lại tại các hộ gia đình với 123.000 con lợn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các địa bàn– nơi xảy ra dịch cần công bố; quyết liệt xử lý dứt điểm các ổ dịch, tránh để lâu vứt xác lợn ra môi trường. Huy động các tổ chức tiêu hủy lợn bệnh; tổng vệ sinh khu vực xảy ra dịch, sát trùng bằng thuốc và vôi bột tại các hộ chăn nuôi, nhất là khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn. Xử lý nghiêm việc vận chuyển lợn bệnh, sản phẩm thịt lợn ra khỏi khu vực đang dịch bệnh.
UBND tỉnh Bình Phước cũng đề nghị các địa bàn tập trung rà soát các cơ sở giết mổ, chấn chỉnh kịp thời những cơ sở giết mổ không đáp ứng điều kiện vệ sinh an toàn thú y. Riêng đối với các cơ sở giết mổ đủ điều kiện được giết mổ lợn có kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi...
*Ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ vào sáng 23/5, có 79 con lợn của 2 hộ chăn nuôi bị chết tại khu vực Thạnh Phú, phường Phú Thứ. Ngành thú y thành phố đã hỗ trợ người dân tiêu hủy, khoanh vùng, tiêu độc khử trùng, đồng thời lấy mẫu heo chết để xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Dự báo, bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng lây lan nhanh,bởi lượng heo thịt nhập khẩu vào Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, nhất là ở thành phố Cần Thơ.
Chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cũng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức, ý thức phòng chống dịch trong tất cả lực lượng làm nhiệm vụ, người chăn nuôi; theo dõi diễn biến bệnh tại địa bàn lân cận để có biện pháp phòng tránh, xử lý kịp thời nếu bệnh dịch xảy ra; kiểm soát quá trình vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hóa chất, vật tư để xử lý khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, đồng thời hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo quy định…
Đến thời điểm này, cả nước đã có 39 tình., thành phố có dịch tả lợn châu Phi.