Các địa phương tập trung xử lý ổ dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ, khoanh vùng dập dịch, không để lây lan.

Phun thuốc khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vào ngày 8/3, ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để phát sinh ổ dịch cúm A/H5N1 mới trên địa bàn tỉnh.

Đối với các ổ dịch chưa qua 21 ngày, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ, khoanh vùng dập dịch, không để lây lan, phấn đấu công bố hết dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn tỉnh Nam Định vào cuối tháng 3.

Kiểm tra thực tế tại các ổ dịch, ông Nguyễn Phùng Hoan thẳng thắn chỉ rõ, dịch cúm A/H5N1 bùng phát tại Nam Định có một phần nguyên nhân do chính quyền địa phương chưa sát sao trong việc hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về phòng dịch, đặc biệt là chưa chú trọng tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm. Mặt khác, người chăn nuôi còn có tư tưởng chủ quan, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng dịch cũng như chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường...

Để khống chế và không phát sinh thêm ổ dịch mới trong thời gian tới, ông Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu, các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã hiện đang có ổ dịch hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, vận động người dân cùng tham gia giám sát dịch, giám sát các cơ sở giết mổ gia cầm. Các trường hợp gia cầm ốm, chết cần được khai báo kịp thời cho cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xác minh làm rõ và hướng dẫn biện pháp xử lý.

Đoàn kiểm tra công tác phòng dịch cúm A/H5N1 tại một hộ dân ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Cùng với việc thực hiện các biện pháp dập dịch, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện các quy định chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh; đồng thời phổ biến tính chất nguy hiểm, các biện pháp phòng chống dịch, vận động người chăn nuôi tự giác khai báo khi có dịch, không bán chạy, không vứt gia cầm chết ra môi trường.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, từ đầu năm 2017 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã bùng phát ở 8 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc huyện Vụ Bản và Trực Ninh với tổng số gia cầm phải tiêu hủy gần 9.200 con.

Hiện Nam Định còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các hộ chăn nuôi ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh chưa qua 21 ngày, địa phương đang nỗ lực khoanh vùng dập dịch. Những người ở các hộ chăn nuôi có gia cầm nhiễm cúm ốm, chết và những người có liên quan trong khu vực có dịch đã được các cơ sở y tế lập danh sách theo dõi tình hình sức khỏe theo quy định. Đến nay, những người này vẫn khỏe mạnh bình thường.

* Tại Tây Ninh đã phát hiện và xử lý một ổ dịch cúm gia cầm vừa xảy ra tại một hộ chăn nuôi ở ấp Bến, xã An Thạnh, huyện huyện biên giới Bến Cầu.

Theo đó, ngày 4/3, nhận được thông tin có đàn vịt ốm, chết, nghi mắc bệnh cúm gia cầm tại một hộ chăn nuôi ở ấp Bến, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh đã cử cán bộ đến thu thập thông tin, lấy mẫu gửi về Cơ quan Thú y vùng VI để xét nghiệm tìm virus cúm A/H5N1, đồng thời lập biên bản nghiêm cấm chủ đàn dịch không được "bán chạy" đàn vịt mắc bệnh để tránh lây lang.

Phía chủ hộ chăn nuôi cho biết, đàn vịt có 500 con, trong đó ban đầu có 50 con phát bệnh chết, số con còn lại có dấu hiệu bỏ ăn và chết dần mỗi ngày.

Ngày 5/3, Cơ quan Thú y vùng VI thông báo mẫu gửi xét nghiệm có kết quả dương tính với virus H5N1, lập tức Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy số đàn vịt còn lại và rải vôi, phun thuốc tiêu độc sát trùng nơi chuồng trại có đàn vịt bị bệnh và khu vực gần đó, nhằm khống chế dịch bệnh có khả năng lây lan ra nơi khác.

Cán bộ thú y lấy mẫu bệnh phẩm, giám sát dịch bệnh tại một trại chăn nuôi gà ở huyện biên giới Bến Cầu, Tây Ninh.

Xã An Thạnh, Bến Cầu là huyện biên giới, giáp sát với tỉnh Svayrieng của Campuchia, địa phương đã phát hiện có nhiều ổ dịch cúm H5N1 trên đàn gà, vịt đã được cảnh báo thời gian gần đây.


Ông Mấy cho biết thêm, để phòng chống dịch cúm trên đàn gia cầm, nhất là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đàn vịt thả đồng... Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh đã họp khẩn, yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố, các tổ kiểm dịch động vật trên toàn tỉnh, đặc biệt là các huyện biên giới chủ động giám sát, phát hiện, khống chế và thanh toán khẩn cấp các ổ dịch, bao vây ngăn chặn có hiệu quả dịch cúm gia cầm, không để lây lan trên diện rộng.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước đối với tất cả các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh; thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu và quy định tại Công văn số 290/UBND-KTN ngày 10/2/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong trường hợp nghi có bệnh cúm gia cầm phải báo cáo ngay cho cơ quan thú y; thực hiện đúng các quy định về tiêm phòng, kiểm tra bệnh phẩm, vệ sinh tiêu độc chuồng trại.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không ăn thịt gia cầm chết, bị bệnh. Khi phát hiện có gia cầm chết nhanh, đồng loạt, không rõ nguyên nhân thì cần báo cáo ngay cho cán bộ thú y xã, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện hoặc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hay UBND phường, xã gần nhất để phát hiện sớm ổ dịch. Khuyến cáo người dân không được buôn bán gia cầm bị bệnh, chết.

Tăng cường công tác kiểm dịch gia cầm, sản phẩm gia cầm; tăng cường quản lý kiểm soát giết mổ gia cầm; đồng thời triển khai tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh cũng yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bến Cầu phối hợp chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ ổ dịch, nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch, cách ly triệt để toàn bộ khu vực ổ dịch, nghiêm cấm người không có nhiệm vụ vào ổ dịch, những người hoặc phương tiện cần thiết vào ổ dịch trước khi ra phải vệ sinh tiêu độc kỹ để ngăn chặn mầm bệnh đưa ra ngoài.

Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cung ứng khẩn cấp cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bến Cầu 60.000 liều vắc xin cúm gia cầm và hàng trăm lít thuốc sát trùng để tổ chức tiêm phòng; vệ sinh tiêu độc sát trùng địa bàn xã An Thạnh và địa bàn có nguy cơ khác của huyện Bến Cầu, để ngăn ngừa dịch bệnh.

Tin, ảnh: Nguyễn Lành - Lê Đức Hoảnh (TTXVN)
 Trên "nóng", dưới "lạnh" trong phòng chống dịch cúm gia cầm
Trên "nóng", dưới "lạnh" trong phòng chống dịch cúm gia cầm

Trong khi dịch cúm gia cầm xuất hiện tại một số địa phương lân cận như Bạc Liêu, An Giang, Đồng Nai thì tại Thành phố Hồ Chí Minh người dân vẫn chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Tình trạng gia cầm sống chưa qua kiểm dịch vẫn được mua, bán công khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN