Một trong các yêu cầu của Tháng hành động là tổ chức các hoạt động phải bảo đảm quy định phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, địa phương và an toàn, sức khỏe cho người lao động.
Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021 được phát động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên” nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về tăng cường sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn và đội ngũ an toàn vệ sinh viên.
Ở cấp Trung ương, dự kiến Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2021 diễn ra ngày 6/5 tại Hà Nội.
Tại các ngành, địa phương, căn cứ điều kiện của từng ngành, địa phương, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn phối hợp tổ chức Lễ phát động và các hoạt động hưởng ứng cụ thể, thiết thực phù hợp với chủ đề, nội dung tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2021, đồng thời bảo đảm tuân thủ đúng các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động kết hợp với Tháng Công nhân và các hoạt động hưởng ứng thiết thực hiệu quả.
Các hoạt động hưởng ứng tập trung vào đẩy mạnh các phong trào thi đua và nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; giám sát, phối hợp kiểm tra, thanh tra về an toàn, vệ sinh lao động; các hoạt động, sự kiện chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động hướng vào chủ đề, nội dung của Tháng hành động.
Trong đó tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động, tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về mất an toàn, vệ sinh lao động như xây dựng, khai khoáng, hóa chất, điện, hàn cắt; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động...
Các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, tập huấn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kỹ năng phương pháp hoạt động của đội ngũ an toàn vệ sinh viên: tổ chức các hoạt động có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động như tọa đàm, đối thoại về triển khai chính sách với doanh nghiệp, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức giao lưu, thăm quan các mô hình điển hình làm tốt về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức các lớp tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn, an toàn vệ sinh viên; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động
Công đoàn các cấp tổ chức hội thi về an toàn, vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh viên giỏi, đa dạng hóa các hình thức thi như viết, tìm hiểu về an toàn, vệ sinh lao động…
Công đoàn tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu công đoàn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của địa phương, đơn vị; thu hút được sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp và người lao động; bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, địa phương và an toàn, sức khỏe cho người lao động.
Công đoàn tổ chức giám sát, tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp và cơ sở lao động, tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nhiều nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp....
Các hoạt động này nhằm tạo đợt cao điểm tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động , người lao động và các cấp, các ngành về thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống COVID-19; đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, cơ sở lao động. Đồng thời thúc đẩy công tác phối hợp giữa công đoàn các cấp với các cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động trong việc triển khai các chương trình, hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cải thiện điều kiện lao động, phát động thi đua, đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, góp phần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.