Trong những ngày qua, tại khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn cục bộ, gây lũ trên một số sông suối nhỏ và đã có thiệt hại nghiêm trọng về người tại công trình thủy điện đang thi công, bãi khai thác khoáng sản ven sông, suối tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng chiều 5/7 và tại thủy điện Phi Lĩnh, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên ngày 3/7.
Để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung chỉ đạo triển khai việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các tỉnh miền núi phía Bắc kiểm tra, rà soát các hoạt động sản xuất ven sông, suối, hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, người dân trên các lều, chòi canh nương rẫy, ven sông suối; di dời người dân tại các khu vực có nguy cơ để đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công, có phương án chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi có mưa lũ; tạm dừng thi công các công trình trong trường hợp cần thiết.
Các địa phương khu vực miền núi phía Bắc rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với thiên tai, nhất là lũ, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, vào khoảng 16 giờ ngày 5/7/2022, tại suối Nà Tăng, huyện Bảo Lâm đã xuất hiện lũ, cuốn trôi 4 người đang khai thác cát trên suối ra sông Gâm (ông Lý Văn Phìn – sinh năm 1973; anh Dương Văn Quyền, sinh năm 1990; chị Triệu Thị Kim, sinh năm 1985; chị Phùng Thị Ngán, sinh năm 1989 đều trú tại xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm). Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức, huy động lực lượng tìm kiếm các nạn nhân. Đến sáng sớm ngày 6/7, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể chị Phùng Thị Ngán.
Tại Thủ đô Hà Nội, mưa lớn xảy ra vào chiều tối và tối 5/7 với lượng mưa phổ biến từ 47,3-90,5 mm, có nơi lớn hơn như trạm Hoài Đức 161,5 mm đã gây thiệt hại tại một số quận, huyện trên địa bàn.
Quận Hoàn Kiếm có 4 cây đổ tại các địa điểm 24 Hàng Giầy, 152 Hàng Bông, 575 Hồng Hà, 33 Nhà Chung; Quận Ba Đình có 2 cây bị đổ (tại phố Vĩnh Phúc và Phố Văn Cao), các lực lượng chức năng đã xử lý để đảm bảo an toàn giao thông.
Do cường độ mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa lớn, một số điểm trũng, thấp bị úng ngập từ 20-35 cm như: các khu đất dịch vụ Hà Trì, Cầu Đơ, tuyến đường Tô Hiệu, Lê Hồng Phong, đường Thanh Lãm (Hà Đông), sau khi ngừng mưa nước cơ bản đã rút hết.
Quận Nam Từ Liêm, hầu hết các tuyến đường đều ngập cục bộ, đặc biệt một số tuyến, khu vực nhà dân ngập từ 40-60 cm (đường Mễ Trì, Đỗ Đức Dục, ngõ 223 Đại Mỗ, Đình Thông, Hàm Nghi...), sau mưa lượng nước đã rút nhanh...
Tại tỉnh Điện Biên, hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm, cứu hộ người mắc kẹt trong hầm thủy điện bản Phi Lĩnh, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ.