Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 14, các tỉnh miền Trung nỗ lực chạy đua với thời gian nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản gây ra bởi bão, lũ. * Tại Hà Tĩnh: Ngày 10/11, Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đang tiếp tục tổ chức di dời dân kể cả vùng ven biển và vùng xung yếu các huyện miền núi đến nơi an toàn để tránh bão.
Người dân TX. Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh dùng bao cát đè chắn mái nhà chống bão. Ảnh: Phạm Thị Huế/TTXVN
|
Hiện nay tại vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh đã có gió cấp 3 cấp 4, trời đổ mưa, công tác phòng chống bão trở nên khẩn trương. Huyện Kỳ Anh đã di dời 461 hộ với hơn 1.800 nhân khẩu tại các xã vùng ven biển Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Hà, Kỳ Khang và các xã thường bị ngập lụt Kỳ Thư, Kỳ Trinh. Ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung lực lượng di dời theo đúng phương án mà huyện đưa ra để đối phó với bão HaiYan, đồng thời tuyên truyền, ngăn không cho người dân trở về nhà trong thời điểm bão và có kế hoạch bảo vệ tài sản cho nhân dân cả nơi đi và nơi đến". Công tác di dời dân rất khẩn trương không chỉ vùng ven biển, mà còn tại các huyện miền núi Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn nơi thường xảy, lũ quét, lũ ống, đã có trên 1.300 hộ dân với 4.300 nhân khẩu vùng xung yếu được di dời đến nơi an toàn.
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã di dời được trên 13.600 hộ với hơn 40.700 nhân khẩu chủ yếu tập trung ở các huyện ven biển từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh. Tuy nhiên, công tác di dời còn gặp nhiều khó khăn do người dân còn có tâm lý chủ quan. Vì vậy, hiện nay các cấp chính quyền đang tổ chức tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh xã, phường và thành lập các đoàn đến vận động, giúp nhân dân di dời; đồng thời đến từng hộ dân ký cam kết di dời đến nơi trú ẩn an toàn và có biện pháp cưỡng chế nếu không chấp hành lệnh di dời của UBND tỉnh.
Với phương án "bốn tại chỗ", các đơn vị quản lý hồ, đập đã bố trí người trực và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác vận hành, điều tiết mực nước. Bên cạnh việc vận hành xả lũ 5 hồ lớn và 11 hồ nhỏ, các cơ quan chức năng trong tỉnh thông báo và tổ chức bảo vệ nhân dân vùng hạ lưu khi xả lũ. Ban An toàn giao thông tiến hành kiểm tra, bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ và cắm tiêu một số tuyến đường, có thể dừng và cảnh báo các tuyến đường khi có mưa và ngập lụt. Các đơn vị bộ đội, biên phòng, công an tổ chức giúp nhân dân di dời và chằng chống nhà cửa, bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng cho người dân.
* Tại Thừa Thiên-Huế: Do mưa lớn ở đầu nguồn các con sông kết hợp với triều cường dâng cao ở phía biển đã gây ngập cục bộ trên diện rộng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Đặc biệt, nước ở tất cả các hồ chứa đều vượt cao trình đỉnh tràn, buộc phải tiếp tục xả lũ nên tình trạng ngập lụt càng nặng thêm.
Đến sáng 10/11, mực nước các hồ chứa thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới tiếp tục đạt đỉnh, nên đang xả lũ với lưu lượng từ 600 - 1.800 m3/s, có lúc mức xả lũ đạt hơn 2.000 m3/s. Các hồ chứa thuỷ lợi như Tả Trạch là 37m, qua tràn 2m; hồ Truồi 36m, qua tràn 1,2m; hồ Hòa Mỹ 35m qua tràn 0,26m... Các hồ chứa đều chung tình trạng tiếp tục điều tiết nước về hạ du để có dung tích phòng lũ tối thiểu trước khi bão Haiyan đổ bộ.
Các địa phương vùng trũng ở Thừa Thiên - Huế đang bị ngập lụt trên diện rộng. Thống kê nhanh của huyện Quảng Điền đã có 1 người chết do lũ cuốn trôi, hơn 540 nhà dân bị ngập sâu trong nước từ 0,2 - 0,5 m tập trung ở các xã Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước và Quảng Thọ. Tại xã Quảng An, nước lũ đã chia cắt phần lớn các tuyến đường liên thôn, liên xóm trong xã, có nhiều tuyến đường nước ngập sâu đến 1 m. Tuy nhiên, do nắm được thông tin và thông báo thủy điện xả lũ nên người dân không bị bất ngờ, hết sức chủ động trong công tác phòng chống.
Ngập lụt đã khiến nhiều tuyến giao thông bị ách tắc và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân trong vùng, nhiều nơi phải dùng thuyền để đi lại. Để đối phó với tình trạng ngập lụt kéo dài, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 100.000 lít xăng, 100.000 lít dầu Diezel và 30.000 lít dầu hỏa để chủ động khi cần thiết. Hai huyện miền núi Nam Đông và ALưới, mỗi huyện dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số hàng nhu yếu phẩm khác như mì ăn liền, xăng dầu... để phục vụ cho đồng bào miền núi, đề phòng sạt lở đất gây tắc đường không chi viện kịp khi có lụt bão xảy ra. Bên cạnh đó, các xã thuộc các huyện ven biển, các xã ven sông Bồ, sông Hương, sông Ô Lâu và các vùng miền núi có nguy cơ ảnh hưởng của bão số 14 được khuyến cáo mỗi hộ gia đình dự trữ gạo, mì ăn liền, nước uống, thuốc men và chất đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong 7 ngày, không để thiếu đói khi lụt bão xảy ra.
Các đơn vị quân đội, công an được bố trí về các địa bàn xung yếu để giúp dân vừa chống bão, vừa chống lụt. Trong đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cử 4 đoàn công tác đến cơ sở như: huyện ALưới, Nam Đông, Phong Điền, Quảng Điền và các đơn vị còn lại trên địa bàn tỉnh; bố trí 450 cán bộ, 3.344 dân quân tự vệ và 152 Trung đội dân quân cơ động túc trực để sẵn sàng tham gia đối phó bão. Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã điều động 9 xe, 780 cán bộ chiến sĩ giúp dân các địa phương triển khai công tác chằng chống nhà cửa, sơ tán di dời dân, neo đậu tàu thuyền. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cử 3 tổ gồm 60 chiến sĩ cơ động, 700 cán bộ chiến sĩ, bố trí 50 phương tiện (trong đó có 8 ca nô và 1 tàu) sẵn sàng tham gia ứng cứu khi cần thiết...
Công Tường, Quốc Việt