Hà Nội (TTXVN 5/11)
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương: Số người
chết do lũ lụt tại các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên, tính đến ngày hôm nay
(5/11) đã lên đến 18 người (Bình Định 3; Phú Yên 5; Khánh Hòa 7; Ninh Thuận 3).
Mất tích 6 người (Bình Định 1; Khánh Hòa 1; Ninh Thuận 1; Đắk Lắk 1). Bị thương
6 người (Phú Yên 2, Khánh Hòa 2, Ninh Thuận 1). Số lượng nhà bị ngập lụt 17.805
nhà, tăng 822 (Phú Yên 2.596, tăng 513; Khánh Hòa 9.195; Ninh Thuận 5.657). Nhà
đổ, sập, trôi 618; nhà bị hư hại, tốc mái, siêu vẹo 1.411, tăng 1242. Có hơn
40.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, đổ; gần 1.000 con trâu bò bị nước
cuốn và gần 79.000m đường giao thông bị hư hại...
Hiện nay, tình trạng ngập lụt sâu tại các tỉnh Ninh Thuận, Nha Trang đã giảm
nhiều, hầu hết chỉ còn ngập nhẹ. Riêng Bình Định, toàn bộ vùng đồng bằng hạ lưu
sông Hà Thanh và sông Kôn còn bị ngập từ 1 đến 2m, khu vực phía Đông các huyện
An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát đã bị chia cắt, ngập sâu từ 0,3 - 0,5m có nơi ngập
sâu đến 1,2m. Toàn bộ tuyến đê ngăn mặn khu Đông trên địa huyện Tuy Phước đã bị
sóng đánh sạt lở mái nhiều đoạn, giao thông bị chia cắt. Tỉnh Đắk Lắk có 33 nhà
ngập; 20 hộ dân thuộc xã Ea Kmut, Ea Kpăl và toàn bộ xã Cư Ea Lang, huyện Ea
Kar bị cô lập.
Về giao thông, tỉnh Bình Định còn nhiều tuyến đường giao thông tỉnh lộ 629,
huyện lộ ngập sâu từ 0,3-1,1m bị lũ tàn phá hoại nặng. Phú Yên vẫn ách tắc giao
thông cục bộ trên 10 tuyến tỉnh lộ 642, 643, 644, 645, 645B, 646, 647, 649, 650
và một số tuyến đường liên xã tại huyện Tây Hòa, Tuy An do bị ngập. Khánh Hòa
ách tắc giao thông cục bộ các tuyến tỉnh lộ 2, 9; đường Khánh Lê - Lâm Đồng dự
kiến ngày hôm nay thông xe. Đắk Lắk có nhiều tuyến đường liên xã, thôn bị chia
cắt cục bộ tại 4 huyện MĐrắc, Krông Pắc, Ea Kar và Krông Bông. Tổng công ty
Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết: Do mưa lũ trong các ngày từ 29/9 đến 5/10 ở
các tỉnh miền Trung, tuyến đường sắt Thống Nhất (đoạn qua các tỉnh Nghệ An, Hà
Tĩnh, Quảng Bình) bị hư hỏng nặng. Vì vậy, để khắc phục hậu quả mưa lũ và sửa
chữa kết cấu hạ tầng đường sắt, ngành cần Chính phủ hỗ trợ kinh phí hơn 67 tỷ
đồng.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các địa phương, ngành Thuỷ sản và gia đình chủ
tàu thống kê, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn cho 44.116 tầu/226.270 lao động
biết vị trí diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ để chủ động phòng tránh và
di chuyển, neo đậu tại các bến. Các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình
Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh có Công điện chỉ đạo các Sở, ban, ngành của địa
phương đối phó với tình hình mưa lũ và áp thấp nhiệt đới gần bờ. Các tỉnh Phú
Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận sơ tán 10.860 hộ/41.826 người, tăng 2.437 hộ/7.980
người.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Hà Tĩnh 500 tấn giống các loại,
gồm giống ngô, lạc, rau đậu. UBND tỉnh quyết định hỗ trợ từ 50% đến 100% số
giống cho nông dân, tùy theo mức độ thiệt hại của từng xã với số tiền mua cây
giống hàng chục tỷ đồng. Sở Nông nghiệp tỉnh bố trí 12 đoàn cán bộ về tận các
xã hướng dẫn kỹ thuật trồng lại vụ đông. Đối với cây ngô do thời vụ đã hết,
nhưng vẫn có thể trồng lại bằng các giống ngắn ngày như VN2, VN6, MX2,MX4. Các
giống ngô này sau 60 ngày có thể thu hoạch ngô non, thân lá dùng làm thức ăn
cho trâu, bò, hươu. Đối với Hà Tĩnh, cây khoai lang vụ đông có giá trị lớn về
lương thực (lấy củ), thực phẩm (lấy lá) nên nhiều xã đã tận dụng số diện tích
ruộng đã rút hết nước để trồng lại. Với diện tích cây vụ đông đang được trồng
lại, nhân dân ở vùng lũ Hà Tĩnh sẽ hạn chế được tình trạng thiếu lương thực,
thực phẩm trong những tháng sau lũ. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Quảng Bình
phát động phong trào "dòng họ, bạn bè hỗ trợ nhau về giống rau, giúp nhau
làm đất trồng rau". Cùng với huy động "nguồn lực tại chỗ" để làm
đất trồng rau, Hội cũng vận động những người dân Quảng Bình làm ăn xa ở Hà Nội,
Quảng Ninh, Lâm Đồng… gửi rau giống về giúp đỡ gia đình, dòng họ và bàn bè.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc mạnh
và nhiễu động trong đới gió đông trên cao, ngày 5/11, lũ các sông từ Quảng Ngãi
đến Bình Định, Gia Lai và Đắk Lắk tiếp tục lên chậm có khả năng ở mức BĐ1 -
BĐ2, có nơi lên trên mức BĐ2, các sông từ Phú Yên đến Khánh Hòa dao động ở mức
cao.
Do đó, các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục theo dõi diễn biến của áp
thấp nhiệt đới gần bờ, theo dõi và quản lý chặt chẽ tình hình tàu thuyền đang
hoạt động trên biển và khu vực neo đậu. Cần đề phòng lũ lên lại, chuẩn bị sẵn
sàng lương thực, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm tại vùng có nguy cơ
ngập lụt, chia cắt; rà soát di dời dân tại khu vực nguy hiểm. Các địa phương
phải đảm bảo an toàn ở các khu dân cư tại các khu vực hạ lưu các hồ chứa đang
xả lũ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và vật tư để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu
cầu; khắc phục sửa chữa các tuyến đường giao thông, nhanh chóng thông xe tại
các điểm còn ách tắc; chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, huy động các lực
lượng giúp dân ổn định đời sống, sản xuất tại những khu vực nước lũ đã rút./.
Văn Hào