Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường thông báo cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 15/10 và chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học các ngày tiếp theo tùy tình hình thực tế diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ; rà soát điều kiện đảm bảo an toàn và điều kiện sinh hoạt cho học sinh tại các trường nội trú.
Các doanh nghiệp phải bố trí lực lượng sản xuất, kinh doanh phù hợp và tạo điều kiện cho công nhân, người lao động ở vùng chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ cũng được nghỉ làm ngày 15/10 nhằm đảm bảo an toàn.
Từ đầu tháng 10 đến nay, địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra mưa lớn. Đợt mưa từ ngày 9-11/10, một số địa phương bị sạt lở, giao thông đi lại khó khăn như tại tuyến đường ĐH3, đoạn qua địa bàn khu dân cư Tông Pua, thôn 3, xã Trà Cang, huyện miền núi Nam Trà My, bị sạt lở, đất đá trên đồi núi đổ xuống mặt đường gây chia cắt, cô lập gần 450 hộ dân ở xã Trà Cang. Chính quyền địa phương đã tổ chức cắm biển báo điểm sạt lở; đồng thời huy động lực lượng quân sự, công an, dân quân và người dân tập trung mở tạm đường đi bộ tránh điểm sạt đất để người dân ở xã Trà Cang đi lại tạm thời khi tuyến đường ĐH3 được khắc phục.
Còn tại huyện Nông Sơn, chính quyền và lực lượng vũ trang đang khẩn trương khắc phục sạt lở trên tuyến đường ĐH5 đi qua địa phận xã Quế Lâm, với hơn 1km chiều dài đường bị đất đồi núi sạt lở khiến giao thông bị chia cắt nhiều ngày qua, nhất là cô lập thôn Tứ Nhũ (xã Quế Lâm) đảm bảo lưu thông trở lại cho nhân dân. Sạt lở đồi núi đã gây ách tắc giao thông trên tuyến đường độc đạo dẫn đến thôn Tứ Nhũ, cô lập 170 hộ dân với 350 nhân khẩu.
Theo chính quyền xã Quế Lâm, tình trạng sạt lở trên đã xuất hiện từ tối 11/10 tới nay. Song do ảnh hưởng của mưa lớn và ngập lụt tại nhiều nơi, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn dù huyện Nông Sơn đã tăng cường huy động các lực lượng, phương tiện máy móc khắc phục các điểm sạt lở.
Thượng tá Trần Hữu Ích, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nông Sơn thành lập tổ công tác gồm lực lượng thường trực và dân quân xã ứng trực tại bến đò thôn Thạch Bích và trưng dụng 1 thuyền công suất lớn của xã để kịp thời ứng cứu, giúp đỡ người dân khi có tình huống xảy ra như: cấp cứu những trường hợp ốm đau, người già, phụ nữ, trẻ em, sẵn sàng cung cấp lương thực, thực phẩm khi người dân có yêu cầu.
* Do ảnh hưởng của áp nhiệt đới trên Biển Đông kết hợp với không khí lạnh, ngày 14/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa vừa, có nơi mưa to. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 6.592 phương tiện với 22.178 lao động. Đến chiều 14/10, đã có 6.561 phương tiện vào neo đậu tại các bến, cảng, khu tránh trú; còn 31 phương tiện với 153 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, vùng biển ven bờ có 11 phương tiện với 33 lao động; vùng biển Vịnh Bắc Bộ 20 phương tiện với 120 lao động.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị đồn biên phòng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp địa phương và gia đình thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động trên biển nắm diễn biến của thời tiết để tìm nơi tránh trú hoặc tránh khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời thống kê, kiểm đếm số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc với các chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển để nắm tình hình. Các địa phương, đơn vị chức năng duy trì nghiêm kíp trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cũng đã có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ. Theo đó, các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các đơn vị, địa phương khẩn trương kiểm tra các khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày; nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về an toàn trước khi mưa, lũ. Mặt khác, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò; tạm dừng hoạt động trong những trường hợp mất an toàn. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Lực lượng biên phòng, công an, quân sự sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Ngành Giao thông chủ động, kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của nhân dân.