Bối cảnh quốc tế và trong nước đang có nhiều biến đổi, tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng. Xu hướng chối bỏ các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, hay sự đồng hóa tự nhiên theo xu hướng "Kinh hóa" là một thực trạng khó cưỡng nổi trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nước ta. Bảo tồn làng, bản, buôn... truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số là cách làm đúng, hiệu quả và cần thiết trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là thống nhất chung từ các ý kiến tham luận của các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa tại cuộc hội nghị - hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện chương trình bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/11.
Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2000-2005 và giai đoạn 2006-2010, đến nay đã có 20 làng (bản, buôn...) của 15 dân tộc (S’Tiêng, Chăm, Ba Na, K’Ho, M’Nông, Ê Đê, Vân Kiều, Khơ Mú, Mường, Thái, Mông, Lô Lô, Tày, Dao, Khmer) thuộc 20 tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn. Tiêu chí để lựa chọn địa chỉ bảo tồn được xác định trên những điểm căn bản, phù hợp với đặc thù về địa hình, kinh tế, văn hóa, xã hội của các vùng dân tộc.
Lễ hội văn hóa của đồng bào Ba Na, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đến nay, một số làng đã hoàn thiện toàn bộ các hạng mục theo thỏa thuận phê duyệt dự án, đưa vào hoạt động đạt hiệu quả khá tốt. Mặc dù điều kiện, hoàn cảnh triển khai dự án bảo tồn các làng (bản, buôn...) truyền thống của các dân tộc trên cả nước không giống nhau nhưng nhìn chung việc bảo tồn làng (bản, buôn...) truyền thống các dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, tinh thần cho đồng bào các dân tộc; được đông đảo nhân dân trên địa bàn hưởng ứng, đạt kết quả bước đầu khả quan.
Trên lĩnh vực văn hóa: Dự án đã tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc gìn giữ lâu dài các giá trị văn hóa tiêu biểu trong không gian văn hóa - xã hội truyền thống tiêu biểu (làng, bản, buôn, phum, sóc, plây...) của các dân tộc thiểu số; góp phần tôn vinh, giữ gìn bản sắc dân tộc trên địa bàn. Nhận thức về vai trò của văn hóa trong phát triển của địa phương ở cán bộ, nhân dân tại các nơi thực hiện chương trình được nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được coi trọng, bảo tồn, phát huy thông qua việc triển khai bảo tồn các thiết chế văn hóa truyền thống (nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở, kiến trúc truyền thống...) và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như: Lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, trang phục truyền thống, nghề truyền thống. Những nét đẹp trong phong tục, tập quán truyền thống của các dân tộc trên địa bàn triển khai dự án được sưu tầm, giới thiệu, trình diễn thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa.
Trên lĩnh vực chính trị - xã hội: Thực hiện dự án bảo tồn làng, bản, buôn đã tạo điều kiện thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước tại địa phương thực hiện dự án, nhất là với chính sách xóa đói giảm nghèo. Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc trẻ em; chính sách xã hội tại các làng, bản được quan tâm và hoạt động hiệu quả hơn.
Trên lĩnh vực kinh tế: Đồng bào các dân tộc có điều kiện phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình trong đời sống hàng ngày, có thêm thu nhập để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần thông qua các hoạt dộng kinh tế. Các sản phẩm văn hóa, du lịch, sản xuất nông nghiệp, nghề thủ công của đồng bào các địa phương - nơi thực hiện dự án ngày càng phong phú, đa dạng, đặc biệt là ở những địa phương làm tốt công tác bảo tồn làng truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Có thể khẳng định, công tác bảo tồn làng truyền thống đã thực sự góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, trong đồng bào về vị trí, ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu của văn hóa dân tộc; bổ sung, phát triển những giá trị mới để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực thúc đẩy xã hội phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua thực hiện bảo tồn làng truyền thống tiêu biểu ở các địa phương đã tạo ra một mô hình mới, bài học kinh nghiệm cho các nhà quản lý trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống ở cơ sở nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Công Hải