Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), BHXH Việt Nam thường xuyên tiến hành rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của ngành.
Trong hai năm 2017-2018, ngành BHXH đã tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành: Hoàn thiện các phần mềm quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, cơ sở dữ liệu tập trung, cấp mã số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình; khai trương và vận hành Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Hệ thống tổng đài điện thoại phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; triển khai công tác thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị nợ đọng BHXH, truy thu về quỹ hàng trăm tỷ đồng; từng bước kiểm soát được mức chi phí KCB BHYT bất hợp lý qua Hệ thống Thông tin giám định BHYT.
Cụ thể, nếu năm 2011, số TTHC của ngành là 263 thủ tục, thì đến năm 2016 đã cắt giảm còn 32 thủ tục và đến nay chỉ còn 28 thủ tục. Nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin...
Việc cập nhật, công bố, công khai TTHC được thực hiện theo đúng quy định, tất cả các TTHC đều được niêm yết công khai tại trụ sở BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện; thực hiện công bố công khai danh mục các TTHC trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, Trang tin điện tử của BHXH các tỉnh. Đồng thời, cập nhật lên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận, thuận tiện khi cần giải quyết công việc. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát toàn bộ cơ sở dữ liệu TTHC của BHXH Việt Nam trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để kịp thời cập nhật, chuẩn hoá các TTHC còn hiệu lực, TTHC mới ban hành và xoá bỏ các TTHC đã hết hiệu lực theo đúng quy định.
Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo 03 hình thức: Qua bộ phận "Một cửa" tại trụ sở cơ quan BHXH, qua giao dịch điện tử (doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần) và qua dịch vụ bưu chính công ích (doanh nghiệp không phải trả phí). Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Đồng thời, đưa vào vận hành Hệ thống Một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn... Đến nay, có trên 90% đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; có 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện thí điểm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng (tại Hải Dương, Hà Nội), trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng trên toàn quốc.
Tạo minh bạch trong quản lý điều hành
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của Ngành được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới phương thức hoạt động và hiện đại hóa ngành BHXH. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động phục vụ công tác quản lý, hiện đại hóa hoạt động hệ thống ngành BHXH được triển khai quyết liệt và có hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam cho biết: Hệ thống CNTT của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực (thu; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT;…). Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018 số hồ sơ điện tử giao dịch phát sinh trên hệ thống là hơn 34,78 triệu hồ sơ với tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn là 98,9%; đã giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp.
Xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm nghiệp vụ với mục tiêu tin học hóa toàn diện hoạt động nghiệp vụ của Ngành, thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan BHXH trên môi trường mạng, nâng cao năng lực hiệu quả phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động, bao gồm các phần mềm: Lưu trữ hồ sơ điện tử ngành BHXH để số hóa tài liệu lưu trữ của Ngành; Thu và quản lý sổ thẻ; Kế toán tập trung; Xét duyệt chính sách (liên thông dữ liệu với phần mềm Thu và quản lý sổ thẻ và phần mềm Kế toán tập trung nên hạn chế được rất nhiều trường hợp trục lợi quỹ BHXH); Quản lý đầu tư quỹ (liên thông dữ liệu với phần mềm Thu và quản lý sổ thẻ, phần mềm kế toán tập trung); Quản lý đấu thầu thuốc tập trung...
Hệ thống Thông tin giám định BHYT của Ngành đã kết nối tới hơn 12.000 cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc (gần 100%) với tỷ lệ liên thông dữ liệu hàng tháng đạt trên 95%.
Tại buổi làm việc của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ với BHXH Việt Nam mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác nhấn mạnh, BHXH là cột trụ rất quan trọng của quốc gia về an sinh xã hội, được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng về 05 vấn đề tới BHXH Việt Nam và Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh. Trong đó nhấn mạnh, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong khi cơ sở dữ liệu về dân cư nói chung chưa có. “Thủ tướng đánh giá cao và cũng đề nghị báo chí khích lệ kết quả này của BHXH Việt Nam” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, quan trọng nhất là ngành BHXH đã tạo minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành và đặc biệt mang tính chất phục vụ với người dân, người tham gia các chính sách BHXH, kiểm soát cơ sở khám chữa bệnh để chống những kẽ hở có thể lợi dụng trong thanh toán chi phí KCB BHYT.
“Ngay cách chi trả hiện nay của Ngành BHXH cũng rất tốt, đến tận các điểm văn hóa xã. Trước đây, các cụ đi năm ba cây số mới nhận được tiền lương, nay được nhận rất nhanh, rất tiện lợi” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.