Điểm sáng về môi trường
Đà Nẵng là thành phố tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường. Với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường”, những năm qua, địa phương đã đạt được nhiều danh hiệu nổi bật về môi trường như: “Một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của khu vực năm 2011” (ASEAN bình chọn); “Đô thị có không khí sạch và có hàm lượng carbon phát thải thấp năm 2012”; “Đô thị xuất sắc trong phong trào xây dựng đô thị xanh sạch đẹp năm 2013”; “Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2018”. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đánh giá và công nhận Đà Nẵng là “một trong 5 thành phố đạt mức Tốt về công tác bảo vệ môi trường năm 2020”.
Để đạt được những danh hiệu này, là sự nỗ lực, đồng lòng của cộng đồng, người dân, cùng chính quyền thành phố. Công tác bảo vệ môi trường được cộng đồng dân cư, người dân thành phố thực sự quan tâm, tích cực tham gia, đồng hành. Người dân thành phố rất đồng thuận với mục tiêu xây dựng “thành phố Môi trường”. Do đó, nhiều mô hình, các sáng kiến về bảo vệ môi trường được cộng đồng, khu dân cư, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện: ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, trồng rừng, đóng góp nhà vệ sinh công cộng, tham gia dọn rác bãi biển, lô đất trống, tham gia giữ gìn khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học,…
Giai đoạn 2016-2021, Đà Nẵng đã đạt được nhiều chỉ số ấn tượng về bảo vệ môi trường như: 100% dân số đô thị và hộ gia đình nông thôn được cung cấp nước sạch vệ sinh; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường đạt 88,2%; tỷ lệ bệnh viện, trung tâm y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường đạt trên 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%; nước thải công nghiệp xử lý đạt yêu cầu theo các quy chuẩn quy định.
Đối với nhóm chỉ số về quản lý chất thải, kinh tế tuần hoàn, Đà Nẵng cũng đạt tỷ lệ thu gom chất thải rắn trong đô thị đạt trên 95%; 100% chất thải nguy hại và chất thải rắn sinh hoạt đã được xử lý đáp ứng yêu cầu; bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn hợp vệ sinh; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt 80%/tổng số hộ gia đình; 100% thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường (trên địa bàn) qua đường dây nóng năm 2021, được phối hợp xử lý.
Để đạt được kết quả này, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được thực hiện từ rất sớm với sự chủ động, tham gia tích cực của các cấp, các ngành, bằng nhiều hình thức truyền thông phong phú, lôi cuốn. Các phong trào bảo vệ môi trường trở nên thân thuộc, diễn ra rộng khắp như: “Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp”; “Khu dân cư thân thiện môi trường”, “Mô hình Trường học Xanh”, Chuyên mục “Thành phố Môi trường”..
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh Trà Vinh được đầu tư các dự án trọng điểm như: Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Trung tâm Điện lực Duyên Hải với các Nhà máy nhiệt điện 1, 2, 3 và 3 mở rộng. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội như: Khu Kinh tế Định An (đã thu hút 51 dự án), đang xúc tiến mời gọi đầu tư khu công nghiệp Ngũ Lạc (936 ha), khu công nghiệp Cổ Chiên, khu công nghiệp Cầu Quan cùng với các cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng và kêu gọi đầu tư; đã và đang phát triển ngành điện gió, điện mặt trời…
Để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, tỉnh Trà Vinh quan tâm ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; không chấp thuận các dự án đầu tư có nguy cơ, tiềm ẩn về môi trường. Song song đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường, thực hiện nhất quán chủ trương không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế.
Theo báo cáo Kết quả và kinh nghiệm của tỉnh Trà Vinh trong công tác bảo vệ môi trường tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, giai đoạn 2016-2021, Trà Vinh đã tổ chức 48 lớp tập huấn bảo vệ môi trường, 7 lớp tập huấn bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu; mua sắm và chuyển giao 860 thùng rác cho các huyện, triển khai 6 mô hình bảo vệ môi trường khu dân cư, hỗ trợ 860 thùng ủ phân compost và 1.100 sọt rác để người dân phân loại rác tại nguồn; lắp 4 pano LED điện tử để tuyên truyền bảo vệ môi trường; nhân bản 3.500 quyển Sổ tay hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu... Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức sang hành động của tầng lớp nhân dân trong bảo vệ môi trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đã được các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 7 tổ chức với tổng số tiền 693,8 triệu đồng.
Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU, Chỉ thị số 48-CT/TU nhằm cải thiện cảnh quan môi trường, thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã, huyện nông thôn mới, nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, tỉnh đã tổ chức hơn 84.255 cuộc ra quân vệ sinh môi trường với hơn 3 triệu lượt người tham dự, xây dựng 393 tuyến đường Xanh - Sạch - Đẹp với tổng chiều dài khoảng 751 km; thành lập 1.184 mô hình tự quản bảo vệ môi trường, mô hình bảo vệ môi trường khu dân cư xanh sạch đẹp; hơn 4.288 các câu lạc bộ môi trường do các Tổ hội viên của các tổ chức đoàn thể các cấp thành lập; hơn 800 Câu lạc bộ môi trường Cựu Chiến binh được tổ chức và hoạt động có hiệu quả…
Trà Vinh cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý môi trường phát huy tính hiệu quả, đưa vào vận hành 2 trạm quan trắc không khí tự động liên tục theo dõi chất lượng không khí khu vực Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải; 15 trạm quan trắc dự báo mặn và giám sát chất lượng nước tự động phục vụ sản xuất nông nghiệp; đang đầu tư 5 trạm quan trắc tự động, liên tục (1 trạm không khí, 2 trạm nước biển và 2 trạm nước mặt); lắp đặt 10 thiết bị định vị để giám sát các phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, thực hiện mô hình thuê camera giám sát tại 124 điểm nóng về môi trường; qua đó đã giúp các địa phương đã khắc phục tốt tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hiện, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh đạt 100%; tỷ lệ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 75% và dự kiến đạt 100% trong năm 2022.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ luôn được quan tâm, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Những kết quả nổi bật: tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2021 đạt 98,42%, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại, chất thải y tế đều được thu gom và xử lý đúng quy định. Tỉnh đã quan tâm đầu tư, cải thiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường, nhất là hạ tầng xử lý nước thải, chất thải rắn. Năm 2018, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phố Cần Thơ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng môi trường EB đầu tư đã đi vào vận hành với công suất 400 tấn/ngày, áp dụng công nghệ đốt phát điện 7,5KW/h, đã giải quyết cơ bản vấn đề xử lý rác sinh hoạt. Cần Thơ cũng đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị với công xuất xử lý 30.000 m3/ngày đêm, hiện xử lý khoảng 25% lượng nước thải sinh hoạt phát sinh, đang tiếp tục triển khai nâng tổng công suất xử lý lên 60.000 m3/ngày đêm.
Thành phố tích cực tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng các sự kiện, ngày lễ về môi trường với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú; phát huy vai trò, sức mạnh của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng; ứng dụng tốt ưu điểm của các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội trong truyền thông về môi trường. Một số dự án thí điểm mang lại hiệu quả cao như “Thu gom tự động rác nổi trên sông”, “thí điểm mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn quy mô nhỏ”; tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hội thảo tập huấn về các thông tin, kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu, phát thải thấp…
Năm 2017 thành phố Cần Thơ đạt Chứng chỉ thành phố tiềm năng bền vững môi trường ASEAN lĩnh vực không khí sạch; năm 2021 đạt Giải thưởng thành phố bền vững môi trường ASEAN và được Bộ Tài nguyên và Môi trường bình chọn sự kiện tài nguyên và môi trường năm 2021; được chọn vào vòng chung kết cùng với 70 thành phố trên toàn cầu trong khuôn khổ Chương trình thành phố xanh OPCC 2021-2022 do Tổ chức WWF khởi xướng.
Trước áp lực gia tăng từ phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương trong thời gian qua đã quan tâm và đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã đầu tư khoảng 10.592 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn vay ODA thực hiện các công trình, dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn, đồng thời các doanh nghiệp cũng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình xử lý chất thải theo hồ sơ môi trường được phê duyệt; kiểm soát 24/24 thông qua hệ thống quan trắc tự động được 85% lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn; xây dựng được cơ sở dữ liệu môi trường gần 10.000 doanh nghiệp; tổ chức thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường 5.948 đơn vị, xử phạt vi phạm 2.097 đơn vị với số tiền trên 156,4 tỷ đồng...
Bài cuối - Hành động mạnh mẽ