Theo công bố mới nhất của Viện dinh dưỡng Việt Nam vào tháng 6/2013, chiều cao của người Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp nhất khu vực. Chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7 cm, thấp hơn 13,1 cm so với chuẩn và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153 cm, thua kém 10,7 cm so với chuẩn.
Thực tế đáng lo ngại
Với tầm vóc như vậy, nếu so với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Sinhgapo, Thái Lan, tầm vóc thân thể của thanh niên nước ta đều thấp hơn. So với người Thái Lan, nam thấp hơn 3,3 cm, nữ thấp hơn 3,9 cm. Còn ở Malaysia, nam trung bình cao 1,4 cm, nữ trung bình cao 157,7 cm; Inđônêsia nam trung bình cao 164,4 cm, nữ 155 cm… Đó là chưa so sánh với các nước châu Á có chiều cao trung bình đã phát triển hơn hẳn như Hàn Quốc 173,9 cm ở nam thanh niên và 161 cm ở nữ thanh niên, hay Nhật Bản là 171,5 cm và 158 cm. Ngoài ra do thiếu vận động nên tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế.
Từ tháng 9/2013 tỉnh Bắc Ninh đã triển khai chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tầm vóc của trẻ. |
Trong báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2012, Việt Nam vẫn còn nằm trong danh sách 16 quốc gia có tỷ lệ cao nhất thế giới về suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi. Hiện có đến 28/63 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao hơn mức trung bình của cả nước, trong đó 12 tỉnh có tỷ lệ rất cao trên 35%. Ước tính năm nay, nước ta còn khoảng 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi, tương đương với tỷ lệ cứ ba trẻ thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi!
Một trong các nguyên nhân quan trọng của tình trạng trẻ em thấp còi, yếu thể lực là do chế độ ăn không đầy đủ các chất dinh dưỡng hoặc chất lượng quá kém, trong đó có bữa ăn gia đình và tại trường học. Đói tạm thời là tình trạng khá phổ biến ở các nước đang phát triển. Riêng đối với khẩu phần canxi (một chất khoáng để tạo xương phát triển chiều cao của trẻ) trung bình trên một trẻ em tại nước ta chỉ đáp ứng được khoảng 49% nhu cầu.
Nhờ có chương trình sữa học đường mà tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng đã được cải thiện. |
Theo Cục trưởng Cục Khoa học, Đào tạo và công nghệ Bộ Y tế, Nguyễn Công Khẩn, nguyên nhân là do sự can thiệp để tăng chiều cao ở nước ta đứt quãng. Kinh nghiệm truyền thống của nhiều nước, đặc biệt là phương Tây, trẻ dưới hai tuổi là giai đoạn mấu chốt để can thiệp phát triển chiều cao. Nhưng gần đây, bài học của Nhật Bản cho thấy, có thể cải thiện chiều cao nếu can thiệp dinh dưỡng tốt ở giai đoạn học đường. Ông Nguyễn Công Khẩn cũng cho biết, gần đây Nhật Bản cũng đã hỗ trợ Việt Nam thiết kế 40 thực đơn bữa ăn học đường ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chú ý đến dinh dưỡng ngay từ thời kỳ mang thai, cho trẻ bú mẹ đầy đủ theo khuyến cáo, sau đó là ăn đa dạng, đủ chất, thực phẩm sạch và kết hợp học - chơi - thể thao vừa sức là những bí quyết có hiệu quả trong cải thiện chiều cao.
Cần có chương trình sữa học đường
Là tỉnh đi đầu trong chiến lược nâng cao tầm vóc người Việt, ngay từ năm 2006, Bà Rịa Vũng Tàu đã quyết định thực hiện Chương trình sữa học đường bằng chính nguồn ngân sách địa phương, sau khi tham khảo các mô hình sữa học đường từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Với chương trình này, UBND tỉnh đã phải bỏ ra gần 90 tỷ đồng (chiếm 50% kinh phí), huy động thêm từ nguồn xã hội hóa là phần đóng góp của phụ huynh (25%) và phần trợ giá của công ty sữa (25%) trong 5 năm thực hiện (2006-2012) đối với trẻ dưới sáu tuổi trong các trường mầm non và trẻ suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng. Chỉ trong vòng 5 năm chương trình được triển khai xuống 82/82 xã/phường của tỉnh, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ từ 3-5 tuổi tại tỉnh giảm từ 15,6% xuống còn 12%, chỉ trong vòng 5 năm lượng trẻ tăng cân chiếm tỷ lệ 66,2%; tỷ lệ trẻ thoát suy dinh dưỡng đạt 21,7%; đặc biệt trẻ có cải thiện về chiều cao đạt 36,8%. Hiện tốc độ giảm suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh khá nhanh, trung bình mỗi năm giảm 1,64%, rất khả quan so với tình trạng chung của cả nước.
Ngoài Bà Rịa Vũng Tàu đang thực hiện giai đoạn 2 (2012- 2016) thì từ tháng 9/2013, tỉnh Bắc Ninh cũng quyết liệt thực hiện kế hoạch nâng tầm vóc và thể trạng trẻ em địa phương. Theo đề án của Bắc Ninh, chương trình sữa học đường sẽ được thực hiện tại các trường mầm non trong 5 năm với tổng mức kinh phí 178 tỷ đồng dành cho hơn 234.000 trẻ em dưới 6 tuổi, gồm 50% từ ngân sách tỉnh và phần còn lại sẽ do phụ huynh đóng góp và các nguồn xã hội hóa. Mới đây, tỉnh Đồng Nai cũng đã khởi động và có thể sẽ là tỉnh thứ ba thực hiện chương trình sữa học đường từ năm 2013.
Để nhân rộng sữa học đường và giúp nhiều trẻ có cơ hội thụ hưởng sữa học đường, nhà nước cần có tầm nhìn và thấy được tầm quan trọng, lợi ích của sữa học đường mang lại. Nhờ đó nhà nước và các đối tác khác mới có cam kết mang tính lâu dài. Cam kết lâu dài này bao gồm cam kết về nguồn ngân sách, cam kết cùng phối hợp và triển khai chương trình. Thêm một phương án nữa là sự chung tay của các hãng sữa nội trong nước, đặc biệt là ngành sữa nước đóng hộp tham gia chương trình. Tôi biết là với nhu cầu khoảng 500 triệu lít/năm thì các nhà máy sữa này hoàn toàn có thể cung cấp cho thị trường. Điều đó không chỉ tốt cho người tiêu dùng mà còn góp phần giúp cho ngành sữa trong nước phát triển, hạn chế việc phải nhập khẩu sữa từ bên ngoài. Ông Bert Jan Post, đại diện công ty Tetra Pak Việt Nam, đơn vị tư vấn kỹ thuật các chương trình Sữa học đường tại Việt Nam |
Nhưng vì sao mới chỉ có 2-3 địa phương trên toàn quốc mới triển khai được chương trình này? Theo ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, vấn đề khúc mắc nhất vẫn là kinh phí. Theo tính toán của đơn vị này, chỉ tính riêng kinh phí cho trẻ em tại 62 huyện nghèo được uống sữa miễn phí mỗi ngày, số tiền đã lến tới khoảng 210.000 tỷ đồng. Chính vì thế, đề án sữa học đường quốc gia dự tính trình Chính phủ vào đầu năm 2014 vẫn đang trong quá trình dự thảo, chờ ý kiến đóng góp của nhiều ban ngành có liên quan.
Cũng theo ông An, để đề án mang lại hiệu quả thực sự thì cần có quy chế cụ thể đối với từng địa phương. Những tỉnh và thành phố lớn có thể trích từ ngân sách địa phương như Bà Rịa Vũng Tàu và Bắc Ninh đã làm, cộng thêm chính sách xã hội hóa. Còn đối với các tỉnh nghèo, các nơi vùng sâu vùng xa theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thì cần có cơ chế hỗ trợ đặc biệt, miễn phí 100% thì mới đạt được mục tiêu giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi, trước khi đạt mục tiêu tăng chiều cao.
Với hơn bảy năm thực hiện Chương trình sữa học đường, bà Trần Thị Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, chia sẻ: Do kinh phí còn hạn chế nên tỉnh mới chỉ triển khai được ở bậc học mầm non và trẻ suy dinh dưỡng dưới sáu tuổi ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, thành quả đạt được ngoài các chỉ số về giảm suy dinh dưỡng chính là việc đã rèn luyện được thói quen uống sữa cho trẻ hàng ngày, kể cả khi trẻ đã đi học tiểu học, đó là yếu tố rất quan trọng để phát triển chiều cao. Cái lợi nữa là nhờ có chương trình sữa học đường mà trẻ đến lớp ngày một đông hơn, năm sau cao hơn năm trước 15-25%, nhờ đó, mục tiêu giáo dục phổ cập bậc mầm non cũng hoàn thành sớm hơn. Đó là những cái lợi mà những người làm giáo dục đôi khi phải bỏ ra rất nhiều tâm sức cũng chưa chắc đã đạt được.
Thanh Tịnh