Với địa hình phức tạp, đường xá đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, cán bộ thực hiện chương trình thiếu về số lượng và chưa được đào tạo chuyên sâu về dinh dưỡng, Bắc Kạn là một trong những tỉnh miền núi có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao và gặp nhiều khó khăn trong hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Bắc Kạn, toàn tỉnh hiện có 10.780 trẻ từ 0 - 23 tháng tuổi, số trẻ từ 6 - 23 tháng là 8.448 và số trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi là 15.625. Năm 2012, toàn tỉnh có 22,2% trẻ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi 31,5% suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi và 7,7% trẻ suy dinh dưỡng cân nặng/cao.
Bác sỹ Nguyễn Thái Hồng, Giám đốc trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn cho biết: Nguyên nhân khiến Bắc Kạn là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao trong cả nước do đây là một tỉnh nghèo, đặc biệt là những huyện vùng sâu, vùng xa một số hộ thiếu khẩn phần ăn dinh dưỡng các bà mẹ có con dưới 5 tuổi, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa và kể cả các bà mẹ là công nhân, viên chức chưa nhận thức được đầy đủ các yếu tố nguy cơ về suy dinh dưỡng.
Thực phẩm có sẵn ở địa phương không đa dạng và nhiều bà mẹ chưa biết sử dụng các sản phẩm này để chế biến đồ ăn đủ chất dinh dưỡng cho con. Bên cạnh đó, các bệnh dịch như: nhiễm giun sán và dịch tay chân miệng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình suy dinh dưỡng của trẻ.
Theo kết quả Điều tra tình hình nhiễm giun ở trẻ từ 12 - 23 tháng tuổi tại huyện Pác Nặm tỉnh Bắc Kạn (từ ngày 16 - 22/7/2013) cho thấy: Trong tổng số 602 người (301 trẻ + 301 mẹ) được xét nghiệm có 153 người bị nhiễm giun, tỷ lệ nhiễm giun chung là 25,4% 44 trong số 301 trẻ được xét nghiệm nhiễm giun truyền qua đất, chiếm 14,6%. Nguyên nhân là do người dân chưa có thói quen sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Toàn tỉnh hiện có 49,5% số xã có nhà tiêu hợp vệ sinh có những xã chỉ có 5% nhà tiêu hợp vệ sinh.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng cho biết: Hoạt động can thiệp dinh dưỡng của tỉnh đang gặp khó khăn, nhất là tại xã vùng sâu, vùng xa cách xa trung tâm trạm y tế xã đặc biệt là các huyện có đồng bào dân tộc Mông. Họ thường đi làm xa nhà, du canh du cư nên hầu như không triển khai được mô hình VAC và thực phẩm sử dụng chủ yếu hàng ngày là do săn bắt được. Chính vì vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở người Mông cao nhất trong số các dân tộc thiểu số của tỉnh. Thời gian tới, mọi ưu tiên về dinh dưỡng sẽ tập trung vào đối tượng này.
Can thiệp và phục hồi dinh dưỡng
Trước thực trạng đó, tại Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh đã triển khai các hoạt động can thiệp suy dinh dưỡng, phục hồi dinh dưỡng chủ yếu tập trung vào trẻ suy dinh dưỡng cấp. Đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các bà mẹ sử dụng những thực phẩm sẵn có tại địa phương để chế biến bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện về dinh dưỡng cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại Trạm Y tế thôn.
Qua các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng đã thực hiện tại địa phương, nhiều trẻ đã được phục hồi dinh dưỡng. Cụ thể như tại thôn Nà Rào, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) hiện có 34 trẻ dưới 5 tuổi thì chỉ có 4 trẻ suy dinh dưỡng trong đó có 1 trẻ suy dinh dưỡng thấp còi và 3 trẻ duy dinh dưỡng nhẹ cân.
Bác sỹ Nguyễn Thái Hồng, Giám đốc trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thời gian qua, hệ dự phòng của tỉnh đã triển khai tốt hoạt động bổ sung vi chất dinh dưỡng, vitamin A liều cao cho bà mẹ sau sinh 1 tháng, trẻ sau ốm và suy dinh dưỡng. Tất cả các huyện đã chỉ đạo Trạm Y tế xã triển khai 2 đợt uống Vitamin A, thuốc tẩy giun (vào ngày 1-2/6 và ngày 1-2/12) và tuần lễ dinh dưỡng và phát triển (16-23/10). Nhờ vậy, số trẻ trong độ tuổi được uống Vtamin A và thuốc tẩy giun của tỉnh đạt 99,98% và 99,96% có những huyện đạt 100% như: Bạch Thông, Na Rì, Pác Nặm, Ngân Sơn, Ba Bể.
Chị Triệu Thị Hường, Y tế thôn bản thôn Nà Rào, xã Nguyên Phúc (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) cho biết: Năm 1998, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ tại thôn Nà Rào lên tới 25% và hiện chỉ còn 11%. Năm 1998, các bà mẹ tại đây không biết chế biến những sản phẩm có sẵn tại địa phương mà thường đi mua đồ ở ngoài cho con ăn. Sau khi được hướng dẫn, họ đã biết sử dụng sản phẩm sẵn có tại địa phương để chế biến đa dạng bữa ăn cho trẻ. Nhờ vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm dần qua từng năm.
Để đảm bảo dinh dưỡng cho mọi người, Bộ Y tế đã phát động Tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" từ 16-23/10/2013.
Với chủ đề "Đảm bảo an ninh dinh dưỡng và an toàn thực phẩm để mọi người khoẻ mạnh", tuần lễ này được triển khai tập trung vào các nội dung như: Nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho người dân để thay đổi hành vi có lợi cho sức khoẻ như biết lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, biết cách chế biến và ăn uống hợp lý để bảo đảm thức ăn không trở thành nguồn lây bệnh phòng chống thừa cân - béo phì thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn dinh dưỡng với đa dạng nguồn thực phẩm sẵn có tại gia đình và địa phương, đặc biệt là các gia đình ở những vùng khó khăn, vùng hay có thiên tai xảy ra...
Thu Phương