Xung quanh chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải sẽ cấm xe khách giường nằm hoạt động trên một số đoạn, tuyến khu vực miền núi, đèo dốc. Điều này đang gây phản ứng trái chiều từ người dân và doanh nghiệp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG). PV: Xin ông cho biết, thực trạng quản lý kinh doanh loại hình xe khách giường nằm thời gian qua? Ông Khuất Việt Hùng: Từ năm 2013, đồng chí Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị có nghiên cứu và đánh giá về hoạt động của xe khách giường nằm, ngay sau đó các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải đã vào cuộc. Gần năm qua đã có nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề xe khách giường nằm và kết luận của các cuộc họp này đều đi đến đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần thực hiện thanh tra tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động hoán cải, cơi nới xe khách giường nằm.
Qua thanh tra hơn 1.000 phương tiện trong tổng số trên 4.000 phương tiện xe khách giường nằm toàn quốc đã phát hiện nhiều bất cập. Do đó, bộ đã bổ sung những bất cập này vào dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 91 quy định về vấn đề quản lý điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện và dự thảo sửa đổi Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tổng cục Đường bộ đang tiến hành rà soát để đưa ra quy định về những tuyến, đoạn tuyến xe khách giường nằm không được phép hoạt động. Ảnh: TTXVN |
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, sửa đổi Quy chuẩn 09 tiêu chuẩn Quốc gia về phương tiện cơ giới đường bộ. Tại thời điểm này, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 đã trình chính phủ, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 171 đang trong quá trình xin thẩm định của Bộ Tư pháp...
Trong quá trình các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan đang tiến hành các chỉ đạo của chính phủ về việc siết chặt quản lý loại hình xe khách giường nằm thì lại tiếp tục xảy ra một số vụ tai nạn liên quan đến vận chuyển hành khách bằng xe giường nằm, đặc biệt là vụ tai nạn xe khách giường nằm tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai vừa qua.
PV: Về thông tin sẽ siết chặt quản lý kinh doanh loại hình xe khách giường nằm và đề nghị cấm một số đoạn, tuyến không cho loại xe này hoạt động, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này? Ông Khuất Việt Hùng: Ngay sau vụ tai nạn tại huyện Bát Xát (Lào Cai), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam có ngay báo cáo chi tiết về tình hình tai nạn xe khách giường nằm từ đầu năm 2013 đến nay. Theo đó, từ đầu năm 2013 đến nay cả nước xảy ra 22 vụ tai nạn xe khách giường nằm, trong đó có 7 vụ xảy ra trên các tuyến đường đèo dốc, quanh co.
Tại cuộc họp ngày 3/9 vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Cục Đăng kiểm Việt Nam cần tiến hành đánh giá, thử nghiệm và mô phỏng để xác định rõ điều kiện về kết cấu hạ tầng đường bộ, điều kiện nào phù hợp, điều kiện nào không phù hợp cho hoạt động của xe khách giường nằm. Bộ trưởng yêu cầu trong tháng 9 này phải hoàn thành việc đánh giá trên. Khi có kết quả đánh giá, thử nghiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần đưa ngay vào mạng lưới tuyến vận tải cố định đang được xây dựng (dự tính tháng 9 này sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải). Quy hoạch mạng lưới tuyến sẽ bao gồm cả việc quy định tuyến nào đi từ đâu đến đâu, loại hình phương tiện nào được hoạt động trên tuyến đó, tần suất là bao nhiêu và tuyến nào xe khách giường nằm hoạt động được và tuyến nào thì không hoạt động được...
Chiếc xe giường nằm gặp nạn trên đèo Tòng Sành, Lào Cai. Ảnh: TTXVN |
Đồng thời Tổng cục Đường bộ cũng rà soát để đưa ra quy định về những tuyến, đoạn tuyến xe khách giường nằm không được phép hoạt động. Tuy nhiên, để có quy định cụ thể về điều kiện hoạt động cho xe khách giường nằm cần phải có nghiên cứu cụ thể và phải được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật, đưa vào quy hoạch, quyết định để đảm tính pháp lý.
Hiện nay cả nước có trên 4.000 xe khách giường nằm, vì vậy việc xử lý cần có lộ trình và hợp lý. Cụ thể, đối với doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải trên tuyến cố định, nếu quy định cấm xe khách giường nằm không được hoạt động trên tuyến đó thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng phương tiện này kinh doanh ở tuyến khác. Hoặc, trong trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải này có xe nhưng không phải là xe giường nằm sẽ cho phép đưa xe đó vào thay thế.
Tuy nhiên, để giải quyết những bất cập của xe khách giường nằm hiện nay cần có quy định chi tiết hơn bởi xe khách giường nằm không chỉ chạy theo tuyến cố định mà có cả chạy theo hợp đồng, chạy du lịch...
Chúng tôi khẳng định, không phải đoạn tuyến nào cũng cấm xe khách giường nằm hoạt động, chỉ những đoạn tuyến nào không đảm bảo điều kiện theo kết luận của Cục Đăng kiểm Việt Nam nên bắt buộc phải cấm. Quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng là cần khẩn trương nghiên cứu những điều kiện để cho phép xe giường nằm được phép hoạt động ở đoạn tuyến nào trên cơ sở đảm bảo tính pháp lý và cơ sở khoa học kỹ thuật.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông Vận tải, các đơn vị chức năng của bộ khẩn trương rà soát lại những tuyến quốc lộ và những tuyến tỉnh lộ có nhiều phương tiện vận tải hoạt động để kiểm tra, rà soát lại về tổ chức an toàn và đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là hộ lan để có phương án, giải pháp khắc phục ngay.
PV: Theo ông, làm thế nào để vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp vận tải kinh doanh xe khách giường nằm trong thời gian tới?
Ông Khuất Việt Hùng: Trong cuộc họp ngày 3/9 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định sự quan tâm, ủng hộ chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải trong việc siết chặt điều kiện kinh doanh xe khách giường nằm. Đồng thời đề nghị khi ban hành quy định cấm xe khách giường nằm hoạt động ở một số đoạn tuyến đèo dốc cần phải dựa vào những quy định pháp lý đầy đủ và cơ sở khoa học kỹ thuật.
Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội, những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp cần phải gỡ bỏ. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, việc đảm bảo an toàn giao thông là ưu tiên số một nhưng việc bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm. Do vậy, tất cả những nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải, UBATGTQG là luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh vận tải nói chung và hành khách nói riêng
PV: Xin cảm ơn ông!
Quang Toàn - Tin tức