Mặc dù là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng việc sản xuất giống cây trồng của nước ta hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng lớn hạt giống từ nước ngoài.
Nhập khẩu là chủ yếu
Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lượng hạt giống lúa lai trong nước mới chỉ đáp ứng được 20 – 25%, còn lại trên 70% phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ các nước láng giềng.
Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn triển khai đề tài "Nghiên cứu thử nghiệm nhân giống khoai tây bằng công nghệ khí canh". Trong ảnh: Những cây khoai tây thuộc đề tài đang phát triển tốt. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN |
Không chỉ lúa, mà khoảng 80 – 85% hạt của một số loại rau chủ lực như: cà chua, dưa chuột, dưa hấu, đậu Hà Lan, đậu côve leo… vẫn phải nhập từ nước ngoài. “Sản xuất giống của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất đại trà. Những giống tốt, có năng suất, chất lượng cao vẫn còn rất thiếu”, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Đồng quan điểm trên, TS Cao Anh Đương, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển mía đường cho biết, lượng giống mía sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sản xuất, còn lại 90% phải nhập từ nước ngoài.
Không chỉ giống cây trồng phục vụ xuất khẩu mà ngay cả giống cỏ để phục vụ chăn nuôi cũng thiếu trầm trọng. Theo Cục Chăn nuôi, chất lượng cỏ của Việt Nam còn thấp, năng suất mới đạt 20 tấn/ha/năm; 200.000 ha diện tích trồng cỏ thâm canh nhưng mới đáp ứng 10% nhu cầu thức ăn thô xanh cho gia súc trong nước. Những giống cỏ chất lượng cao hầu hết phải nhập từ nước ngoài.
Thực tế, sau gần 20 năm nghiên cứu, Việt Nam mới chỉ có 4 giống lúa lai ba dòng chọn tạo được công nhận chính thức và 5 giống công nhận sản xuất thử.
Cần một chiến lược dài hơi
Trong 5 năm (2006 – 2010), Bộ NN&PTNT đã phê duyệt 19 dự án sản xuất giống cây trồng và giao Cục Trồng trọt làm chủ đầu tư.
Đến nay, đã có 16 dự án hoàn thành nghiệm thu, xây dựng và hoàn thiện được 120 quy trình công nghệ nhân giống lúa, ngô, chè, rau...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, tổng số vốn đầu tư cho các dự án trong 5 năm qua đạt 2 tỷ đồng nhưng số tiền bán giống thu về mới đạt 16 tỷ đồng.
Theo ông Bổng, 10 năm nay chúng ta vẫn chỉ thiên về nghiên cứu; các đơn vị thực hiện dự án sử dụng quá nhiều đồng vốn vào xây dựng cơ bản, mô hình trình diễn… mà xem nhẹ việc nhân giống, đưa vào sản xuất đại trà. Do đó, sản lượng giống trong nước sản xuất ra còn quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Còn các nhà khoa học cho rằng, việc sản xuất giống cây trồng của nước ta còn nhiều yếu kém vì chưa xây dựng được một chiến lược dài hơi và đủ kinh phí cho công tác này.
Theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, chúng ta cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực để xuất khẩu. Ví dụ, tại đồng bằng sông Cửu Long, chỉ nên lựa chọn phát triển 1 – 3 giống lúa có chất lượng cao để đầu tư nghiên cứu. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, có thể học hỏi kinh nghiệm từ một số quốc gia trong khu vực, “Inđônêxia quy định các nhà nhập khẩu buộc phải sản xuất hạt giống trong nước sau hai năm khi bắt đầu nhập khẩu. Do đó lượng lúa giống có chứng nhận của nước này đã đạt được 50% nhu cầu trong nước (khoảng 150.000 tấn). Lượng hạt giống lúa lai của nước này cũng tăng 21% trong vòng 2 năm qua”, PGS.TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết.
Ngoài ra, hệ thống phân phối giống cũng chưa có, trong khi phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho một số doanh nghiệp lớn làm công tác nhân giống.
“Sản xuất giống muốn thành công phải gắn với doanh nghiệp chứ chỉ riêng các viện nghiên cứu thì không thể tự làm công tác nhân giống được”, PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nhận xét.
V.H