Giải pháp nào để có được nhiều nguồn tạng từ người chết não? là nỗi đau đáu của rất nhiều cán bộ ngành y đang công tác tại những cơ sở y tế có khả năng triển khai thường quy các kỹ thuật ghép tạng như BV Việt Đức, BV 103, BV Chợ Rẫy, BV Trung ương Huế...
“Để mọi người dân hiểu hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp thì cần công tác tuyên truyền mạnh hơn, sâu rộng hơn với sự tham gia của các cấp, các ngành và các đoàn thể. Hiện nay, hoạt động này chủ yếu vẫn chỉ diễn ra trong những BV có khả năng triển khai kỹ thuật ghép tạng”, Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc BV 103 khẳng định.
Một ca chết não hiến tạng-Ảnh internet |
“Nếu chỉ để các BV làm công tác vận động như hiện nay thì quả thực rất khó khăn. Rõ ràng, khi thấy có trường hợp tai nạn đã chết não, không thể sống được nữa nhưng còn khả năng hiến tạng thì người thầy thuốc có thể tiếp cận và vận động gia đình bệnh nhân. Nhưng nếu không hiểu, rất có thể họ sẽ đặt ngược vấn đề: Vì bác sĩ muốn lấy tạng để ghép nên không cố gắng cứu chữa cho người thân họ nữa. Đây là cái khó của người thầy thuốc”.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Phụ trách khoa Phẫu thuật tim mạch, BV Việt Đức, việc thành lập Ban tư vấn ghép tạng tại cơ sở y tế cũng có vai trò rất quan trọng. Đây sẽ là đầu mối cung cấp thông tin, là cầu nối giữa gia đình bệnh nhân chết não và bệnh viện. Tất nhiên, cũng cần làm tốt công tác đào tạo, tuyển dụng những cán bộ giỏi về tâm lý và có chế độ riêng cho họ.
Để dẫn chứng, PGS.TS Ước kể: “Tại một BV ở Đài Loan mà tôi biết, 70- 80% ca ghép tạng tại BV đều nhờ công của 2 cán bộ rất giỏi về tâm lý chuyên đi vận động các gia đình có người thân chết não hiến tạng”. Hiện nay, tại BV Việt Đức và nhiều BV khác có khả năng ghép tạng cũng đã thành lập Ban vận động này, song do phần lớn người dân vẫn chưa vượt qua được rào cản tâm linh, cán bộ trong Ban vận động lại chủ yếu là kiêm nhiệm nên hoạt động vận động hiến tạng còn nhiều khó khăn. Nhiều gia đình người bệnh từ chối thẳng thừng ngay trong lần đầu tiên cán bộ BV tiếp cận.
Xem xét thay đổi chế độ đãi ngộTheo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền thì Nhà nước cũng nên có giải pháp để hỗ trợ về mặt kinh tế hoặc quyền được chăm sóc sức khỏe cho người hiến hoặc người thân của họ.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Hoàng Mạnh An cho rằng: “Nhà nước nên trích một phần ngân sách để hỗ trợ cho gia đình người hiến tạng chết não, cuộc sống người nhận tạng vốn đã rất khó khăn, thậm chí kiệt quệ vì bệnh tật nên không thể chi trả thêm những chi phí khác”.
Về phía các BV triển khai kỹ thuật ghép tạng, PGS.TS Hoàng Mạnh An cho rằng: “Các BV cũng cần có thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ cho thân nhân gia đình người bệnh chết não, ví dụ hỗ trợ lo chuyện ma chay, tổ chức vinh danh những cá nhân, gia đình có thân nhân hiến tạng…”.
“Trước mắt, để phục vụ sự phát triển kỹ thuật thì BV có thể dùng quỹ phúc lợi của mình để chi cho một số trường hợp ghép tạng. Nhưng về lâu dài, các BV rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của các lực lượng xã hội. Nên chăng xã hội hãy thành lập quỹ phục vụ riêng cho hiến tạng”.
Theo quy định của Luật Hiến ghép tạng, hiến mô, bộ phận cơ thể thì người hiến tạng được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí; được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ miễn phí... Nhưng trên thực tế, hiện chưa có quy định người hiến tạng được miễn viện phí ca mổ để lấy tạng. Vì vậy, về nguyên tắc người hiến tạng phải tự chịu chi phí cuộc mổ lấy nội tạng. Nếu người cho đã chết não, tử vong do tai nạn giao thông… thì gia đình người cho cũng phải chịu khoản chi phí đó. Do đó, các BV đang gặp nhiều khó khăn trong việc tự “tính toán” tìm nguồn để trang trải khoản chi này.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế, cần sớm đưa Trung tâm điều phối mô tạng quốc gia vào hoạt động. Sự ra đời của trung tâm này trước mắt chỉ giải quyết được việc quản lý những người có nhu cầu nhận tạng nhưng về lâu dài, đây sẽ là “đầu tàu” trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giúp người dân hiểu được ý nghĩa cao đẹp của nghĩa cử hiến tạng. Khi người dân đã hiểu rõ “cứu một mạng người bằng xây cả trăm tòa bảo tháp”, một người chết não hiến tạng có thể mang lại cuộc sống cho nhiều bệnh nhân suy tim, suy gan, suy thận… thì khi đó sẽ có thêm nhiều người bệnh được cứu sống từ nguồn tạng của những người đã qua đời.
Phương Liên