Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, chất thải rắn gia tăng nhanh chóng về lượng, đa dạng về thành phần và chưa được phân loại tại nguồn, gây khó khăn cho các công tác xử lý.
Báo cáo về hiện trạng môi trường cho thấy, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị của nước ta tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng chất thải rắn đô thị. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2015 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010; dự đoán năm 2020 sẽ tăng gấp 2,37 lần và năm 2025 là 3,2 lần của năm 2010. Bình quân chất thải rắn/đầu người tăng (0,95kg/người/ngày năm 2009 lên 1,6kg/người/ngày năm 2025). Đây sẽ là những áp lực lớn đối với công tác quản lý chất thải rắn đô thị trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Việt Nam đã có khung chính sách về quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn đô thị nói riêng. Tuy nhiên, để công tác quản lý chất thải rắn đô thị đạt hiệu quả cao, cần có sự học hỏi kinh nghiệm quốc tế, bắt nhịp với các phương thức, công cụ quản lý tiên tiến, hiệu quả trên thế giới, cũng như tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ hàng đầu trong việc xử lý chất thải rắn đô thị.
“Để làm được điều này, cần có sự quan tâm đúng mức, có cách tiếp cận mới, coi rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý chất thải rắn phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài Nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đang gặp khó khăn trong xử lý rác, câu chuyện về quá tải tại các bãi rác Nam Sơn hay tại TP Hồ Chí Minh.
“Chúng ta càng lo ngại hơn khi dự báo, năm 2030 số lượng rác thải tăng lên gấp đôi. Đó là bài toán khó đối với nhà quản lý và là nỗi lo lắng trong cộng đồng. Ngoài ra, đối với rác thải nhựa thì Việt Nam là 1 trong 4 nước phát thải rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, chúng ta đứng xếp thứ thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số nhưng xếp thứ 4 về rác thải nhựa với 280.000 tấn/năm”, TS Nguyễn Hoàng Nam nhấn mạnh.
Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách Tài Nguyên và Môi trường cũng cho biết, khung chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã có những quy định: Chỉ thị 36/CT-TW năm 1998; Nghị quyết 41-NQ-TW năm 2004, Nghị quyết 24-NQ-TW năm 2013, Luật BVMT 2014, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR 2018...
Hiện Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USA/năm; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm) tạo ra Chitosan và SSE; sáng kiến không thải rác ra thiên nhiên do VCCI khởi xướng, sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang....
Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới, theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, cần thể chế hóa, luật hóa kinh tế tuần hòa, hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong mọi hoạt động; xây dựng lộ trình kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chi tiêu công xanh. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ giữa Bộ TN&MT cùng các tổ chức quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp.
Con đường làm từ túi nilon đầu tiên ở Australia
Chia sẻ kinh nghiệm về kinh tế tuần hoàn và xử lý chất thải, ông Sunil Herat, Phó giáo sư về quản lý chất thải Trường Kỹ thuật và Môi trường Xây dựng, Đại học Griffith, Brisbane (Úc) cho biết, Chính phủ Australia đã cam kết lên tới 1,1 triệu đô la nhằm giúp tăng tỷ lệ tái chế cho bao bì thông qua việc giáo dục người tiêu dùng. Nhiều địa phương tại Úc đã có hoạt động thiết thực giảm thiểu chất thải và hướng tới kinh tế tuần hoàn như New South Wales đã làm con đường đầu tiên từ khoảng 176.000 túi nilon, bao bì và khoảng 55.000 bình thủy tinh....