Không được xem là quan trọng như một số tiêu chí khác, nhưng trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã "gặp khó" về tiêu chí môi trường. Thực tế, rác thải ở nông thôn đã và đang trở thành vấn đề nan giải, các địa phương cần nhìn nhận việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới là vấn đề rất quan trọng và lâu dài, cần được quan tâm đúng mức. Bởi vì, khi môi trường nông thôn bị suy giảm, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu mà rất khó khắc phục như bệnh tật gia tăng, nguồn nước, đất sản xuất... bị ô nhiễm, suy giảm.
Từ nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường từ rác thải đã trở thành vấn nạn ở xã Phú Hải, huyện Phú Vang. Theo tính toán của xã Phú Hải, mỗi tháng kinh phí cho các tổ thu gom rác để chuyển đi xử lý khoảng trên 23 triệu đồng. Nhưng mỗi tháng, xã chỉ thu được khoảng 18 triệu đồng từ các hộ dân. Do vậy, mỗi năm xã Phú Hải phải bù thêm khoảng 60 triệu đồng từ ngân sách để xử lí rác thải - một nguồn kinh phí không nhỏ đối với một xã bãi ngang còn nhiều khó khăn, trong khi người dân vẫn cứ vứt rác bừa bãi khắp nơi, từ trục đường chính cho đến ngõ ngách của các thôn, xóm.
Nhiều vùng nông thôn khác ở Thừa Thiên - Huế, rác thải không được xử lí kịp thời gây ô nhiễm môi trường. Việc thu gom, xử lí rác thải mới chỉ thực hiện được ở hơn 20 xã trong tổng số hơn 100 xã của tỉnh, đạt khoảng hơn 20%. Ở nhiều huyện, thị, công tác thu gom và xử lí rác thải còn rất hạn chế, như Phú Lộc chỉ có 3 xã; Hương Trà 5 phường, xã; Quảng Điền 5 xã; Phong Điền 3 xã... Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều địa phương trong tỉnh chưa có quy hoạch hoặc không thể quy hoạch được bãi rác tập trung, do điều kiện đất đai không đáp ứng. Bên cạnh đó, ý thức của người dân, những bất cập trong khâu thu gom, vận chuyển, xử lí rác thải và kinh phí hoạt động cũng đã khiến cho việc xử lí rác thải chưa thể thực hiện đồng bộ.
Từ năm 2008, huyện Phú Lộc đã được đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rộng gần 27 ha, công suất 150 tấn rác/ngày để có thể xử lý rác sinh hoạt cho tất cả 18 xã và thị trấn của huyện. Công trình đã hoàn thành được hơn 12 tháng, nhưng vẫn không thể hoạt động do không có rác thải trung chuyển đến. Trong khi đó, mỗi ngày ở Phú Lộc có khoảng 22 tấn rác thải sinh hoạt cần được xử lý, chôn lấp để hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc, ở nhiều xã chưa thể tổ chức thu gom rác thải từ khu dân cư để đưa đến nơi trung chuyển do tổ thu gom rác chưa được thành lập hoặc đã thành lập nhưng thiếu kinh phí nên không hoạt động. Trong khi đó, đơn vị chuyên trách là Công ty Môi trường Đô thị chưa có đủ điều kiện để thực hiện thu gom rác đến tất cả các địa phương. Còn tại thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, bình quân mỗi ngày có từ 20 đến 25 tấn rác thải. Nhưng bãi rác tập trung của thị trấn Sịa đã đóng cửa, trong khi việc quy hoạch và đưa bãi rác mới vào hoạt động thì chưa thể thực hiện.
Bên cạnh đó, ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới chưa cao. Ở một số địa phương, một bộ phận người dân thiếu ý thức đã "tiếp tay" cho ô nhiễm môi trường khi vứt rác bừa bãi, mà điển hình là người dân sống hai bên sông Cầu Hai thuộc thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì. Rác thải do người dân vứt xuống chất kín dòng sông. Mỗi khi có nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ nguồn nước đen đặc của dòng sông, gây ảnh hưởng đến chính cuộc sống của người dân nơi đây.
Bà Mai Thị Sắc, làm nghề buôn bán ở khu 5, thị trấn Phú Lộc, cho biết: "Do trong vùng không có nơi đổ rác nên sông Cầu Hai trở thành điểm đổ rác thải của các hộ dân sống trong vùng. Sống bên dòng sông bị ô nhiễm, ngày nắng nóng phải đóng kín cửa để tránh mùi hôi, nguồn nước sinh hoạt từ giếng đào thì không thể dùng được nữa". Sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng đang khiến rác thải dồn ứ ở nhiều nơi như dọc tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phú Lộc, tỉnh lộ 14, quốc lộ 49; đường ven biển, ven phá...
Hơn nữa, việc quy hoạch và xây dựng chợ không gắn với việc xử lí rác thải cũng đã khiến khó tập trung được rác thải để xử lý. Sau mỗi phiên chợ, rác do người dân vứt bừa bãi ven đường hoặc tràn xuống các dòng sông như Thừa Lưu, Truồi, Nong... Việc không đồng nhất trong quy hoạch các điểm trung chuyển rác thải cũng đã "làm khó" cho các địa phương. Vì nhiều xã ở quá xa bãi rác mà tỉnh, huyện quy hoạch nên không có đủ kinh phí, phương tiện để tổ chức vận chuyển rác. Thiếu kinh phí cũng khiến cho một số xã đã thành lập được tổ, đội thu gom rác thải nhưng đành phải dừng hoạt động hoặc hoạt động không thường xuyên dẫn đến tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư diễn ra khá phổ biến.
Thiết nghĩ, mỗi địa phương khi quy hoạch xây dựng nông thôn mới không nên "xem nhẹ" tiêu chí môi trường mà cần có các phương án huy động nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia bảo vệ môi trường. Việc đảm bảo được vấn đề môi trường sẽ là cơ sở để phát triển bền vững ở mỗi địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nguyên Lý