Càng đến gần Tết Nguyên đán, hoạt động buôn bán tại các chợ tự phát càng nhộn nhịp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của tiểu thương trong chợ. Chưa kể, người tiêu dùng cũng sẽ phải tiêu thụ nhiều loại hàng hóa không có nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hơn 23 giờ ngày 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu, con đường nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến cổng chợ đầu mối Bình Điền (hay còn gọi là đường 36 mét) vẫn tấp nập cảnh bán mua. Một chiếc xe tải chở dứa từ Long An tấp ngay lề đường gần cổng chợ, dỡ hàng xuống bán cho những người mua về bán lẻ. Chị Bé, tiểu thương chợ Bùi Văn Ba, Quận 7 vừa chọn dứa vừa cho hay, mua ở ngoài đường giá cả rẻ hơn trong chợ mà lại nhanh, tiện lợi. Do đó, thời gian gần đây, chị Bé không còn lấy hàng trong chợ nữa mà mua luôn ở ngoài đường. Cách đó không xa là một xe tải chở chanh cũng đang được chủ xe dỡ hàng xuống đường. Chưa đầy 5 phút sau đã có mấy người mua lẻ ghé vào lấy hàng.
Cùng với các xe tải, dọc hai bên đường 36 mét càng về khuya càng mọc lên nhiều vựa hoa tươi, gia cầm sống, gia vị, trái cây các loại... Cứ thế, từ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau, con đường 36 mét lúc nào cũng nhộn nhịp, rộn ràng.
Trái ngược với hình ảnh đó, khu nhà lồng B chuyên bán rau củ quả của chợ đầu mối Bình Điền lại khá ế ẩm. Anh Huỳnh Tấn Đông, tiểu thương có thâm niên kinh doanh tại chợ đầu mối Bình Điền đã 8 năm cho biết: trước đây, mỗi đêm anh bán gần 10 tấn chanh nhưng lâu nay bị hàng bán bên ngoài “cướp” mất mối nên giờ chỉ cầm chừng khoảng 2-3 tấn.
Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, một tiểu thương khác của khu nhà lồng B thì bức xúc bởi có sự cạnh tranh không lành mạnh ở đây. “Tiểu thương trong chợ phải chịu đủ thứ thuế, phí trong khi những người bán ở phía bên ngoài không phải đóng bất cứ thứ phí gì nên giá cả được bán rẻ hơn. Chúng tôi không cạnh tranh được”, chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ cho biết.
Bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho rằng, cứ để chợ tự phát tồn tại như vậy là không công bằng với tiểu thương trong chợ. Do không phải chịu khoản thuế, phí nào nên những người bán bên ngoài có nhiều lợi thế hơn hẳn tiểu thương trong chợ, nhất là về giá cả. Các mặt hàng chịu cạnh tranh gay gắt nhất phải kể đến là hành, tỏi, chanh, ớt, gừng, hoa tươi, trái cây, gà, vịt, thậm chí là cả thịt lợn… “Cứ cái đà này, có ngày chợ Bình Điền sẽ không còn khách”, bà Trần Thúy Liên lo ngại.
Bên cạnh đó, bà Liên còn cho rằng nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm bán ở khu vực bên ngoài không rõ ràng, không được kiểm soát đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, mỗi một lô hàng khi nhập về Chợ đầu mối Bình Điền đều được Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố và Đội an toàn thực phẩm của chợ kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng đêm. “Nguy cơ hàng trôi nổi, kém chất lượng từ chợ tự phát này sẽ tỏa ra khắp thành phố gây ảnh hưởng sức khỏe cho người dân”, bà Trần Thúy Liên nhận định.
Được biết, thực trạng chợ tự phát "bao vây" chợ Bình Điền không chỉ mới phát sinh một sớm một chiều mà đã tồn tại từ nhiều năm nay, bất chấp quy định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh là không được kinh doanh nông sản, thực phẩm dưới mọi hình thức trong vòng bán kính 2 km xung quanh các chợ đầu mối.
Sở dĩ tình trạng này kéo dài mà không được giải quyết rốt ráo là do khu vực này nằm giáp ranh giữa phường 7 (quận 8) và xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh). “Khu vực này nằm phía ngoài cổng chợ nên chúng tôi không có thẩm quyền giải quyết. Chúng tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương nhưng hai địa phương này liên tục đùn đẩy trách nhiệm”, bà Trần Thúy Liên cho hay.
Trước đó, Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, Ủy ban nhân dân Phường 7 và Ủy ban nhân dân xã An Phú Tây đã ký kết liên tịch nhằm lập lại trật tự khu vực này. Ngay sau đó, đội quản lý do các bên cùng thành lập đã quyết liệt giải tỏa tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, tịch thu phương tiện kinh doanh trái phép và áp dụng mức phạt nặng nhất đối với người vi phạm. Tuy nhiên, sau khi lực lượng này rút đi thì tình trạng lấn chiếm để buôn bán tự phát lại tái diễn.
Các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần vào cuộc, có biện pháp bảo vệ những người kinh doanh chân chính, thực hiện đúng các quy định về kinh doanh nông sản, thực phẩm mà Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.