Hội đồng Tư vấn Kinh doanh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (ABAC) đang chuẩn bị đề xuất khuyến nghị 5 điểm nằm trong kế hoạch phục hồi kinh tế khu vực tới 21 nhà lãnh đạo của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 11/2022 tại Bangkok, Thái Lan.
Các khuyến nghị, bao gồm đề xuất liên quan Khu vực thương mại tự do ở châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) vốn đang bị trì hoãn, là kết quả của một loạt các cuộc họp của ABAC trong thời gian qua.
Ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch ABAC cho biết các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải cùng nhau đối phó với các vấn đề kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như các tác động của xung đột địa chính trị, lạm phát gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Ông Kriengkrai Thiennukul nhấn mạnh: “Chúng ta cần các biện pháp cấp bách hơn để thúc đẩy nền kinh tế và 21 nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận về chúng tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới”. Theo ông Kriengkrai, thúc đẩy FTAAP sẽ là một phần trong kế hoạch hội nhập kinh tế khu vực. ABAC tin rằng FTAAP cần đáp ứng với môi trường kinh doanh toàn cầu mới. Bên cạnh đó, FTAAP sẽ giúp thúc đẩy các lĩnh vực thương mại và dịch vụ trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang có nhiều thay đổi nhanh chóng. Ông Kriengkrai cho biết, ABAC mong muốn các thành viên APEC tăng cường hội nhập kinh tế khu vực bằng cách hỗ trợ hệ thống thương mại dựa trên quy tắc toàn cầu và đẩy nhanh việc hiện thực hóa FTAAP.
Bên cạnh FTAAP, khuyến nghị thứ hai được đưa ra là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho an ninh mạng. Ông Kriengkrai nói: “Các thành viên APEC nên chung tay đầu tư vào phát triển an ninh mạng".
Khuyến nghị thứ ba là một động thái nhằm giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) ứng phó tốt hơn trong hoạt động kinh doanh. Theo ABAC, MSMEs là một động lực của nền kinh tế toàn cầu, do vậy họ cần được tiếp cận nguồn vốn, đào tạo liên tục và tích hợp vào chuỗi cung ứng.
Khuyến nghị thứ tư là hỗ trợ một hệ thống lương thực bền vững và có khả năng phục hồi, nhất là trong bối cảnh các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong khu vực đang đối mặt với những thách thức lớn do giá lương thực toàn cầu tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng nông sản. Ông Poj Aramwattananont, một thành viên của ABAC Thái Lan, cho biết mục tiêu này có thể đạt được bằng cách áp dụng mô hình kinh tế Xanh-Tuần hoàn-Sinh học (BCG).
Khuyến nghị cuối cùng là thực hiện các biện pháp kinh tế vĩ mô và tài chính để tăng tốc độ phục hồi và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất và tăng trưởng.