Ông Jurrin Laksanavisit nhấn mạnh ông hy vọng kết quả của hội nghị này sẽ bao gồm một lập trường, chính sách mạnh mẽ liên quan đến sự phục hồi của nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19, từ đó các nền kinh tế APEC sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Thái Lan là nước chủ nhà APEC 2022. Ông Jurin Laksanavisit đã nêu bật chủ đề của diễn đàn năm nay là "Mở cửa. Kết nối. Cân bằng”, theo đó ông kêu gọi các nền kinh tế thành viên thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng và thúc đẩy tiến trình xây dựng Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Ông cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc nối lại du lịch xuyên biên giới an toàn và thuận tiện, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng và kỹ thuật số đồng thời tính đến việc bảo vệ môi trường, tăng cường an ninh lương thực và ngành nông nghiệp để đảm bảo cuộc sống của người dân trong khu vực.
Tại hội nghị kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp này, đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã trình bày chi tiết quan điểm về chính sách thương mại trong tương lai, đặc biệt là sự phục hồi và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương.
Các đại biểu cũng thảo luận về các diễn biến, trong đó có việc điều chỉnh tăng trưởng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, cũng như nỗ lực thúc đẩy tầm nhìn mới của APEC, Tầm nhìn Putrajaya 2040, và Kế hoạch hành động Aotearoa.
Ông Jurin cho rằng APEC cần tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử, khuyến khích phục hồi kinh tế và tăng cường kết nối con người, hàng hóa và dịch vụ một cách toàn diện. Ông kêu gọi tất cả các nền kinh tế thành viên xác định hội nghị này là một cơ hội để thúc đẩy hoạt động của APEC hướng tới các kết quả thực tế.