Thí sinh đăng ký dự thi tiếng Hàn năm 2016. |
Triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ MOU ngày 24/4/2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có công văn thông báo về kỳ thi tiếng Hàn năm 2018 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Theo đó, trong năm 2018 sẽ tuyển chọn 6.300 lao động lĩnh vực sản xuất chế tạo và 1.600 lao động lĩnh vực ngư nghiệp.
Bộ LĐTBXH phối hợp với các địa phương để tổ chức tiếp nhận đăng ký dự thi tiếng Hàn từ hôm nay, ngày 10 đến 13/5/2018 và tổ chức thi cho người lao động lĩnh vực sản xuất chế tạo ngày 23 và 24/6/2018; riêng ngư nghiệp sẽ thi tiếng Hàn từ ngày 20 đến ngày 24/8/2018, kiểm tra tay nghề, đánh giá năng lực từ ngày 3 đến 7/11/2018. Tuy nhiên, người lao động cư trú dài hạn tại 49 quận, huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (danh sách các địa phương tạm dừng tuyển chọn năm 2018 kèm theo công văn số 1665/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 04/5/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) sẽ không được tuyển chọn theo Chương trình EPS năm 2018.
Các địa phương này có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% và có số lượng người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. Như vậy số lượng địa phương tạm dừng tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS 2018 đã giảm so với năm 2017 (58 quận/huyện bị tạm dừng), trong đó các địa phương như Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang giảm 2 quận/huyện.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm, năm 2018, những đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, huyện nghèo sẽ được sẽ được hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn trước khi thi theo quy định của Nhà nước về học phí, đi lại...
Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc và chính quyền các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt một số chính sách, giải pháp nhằm giảm thiểu và hạn chế tình trạng người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc như: ký quỹ trước khi xuất cảnh, tuyên truyền vận động trong nước và tại Hàn Quốc, tăng cường công tác quản lý lao động, hỗ trợ người lao động tái hòa nhập sau khi về nước.