Cần minh bạch thu phí hoàn vốn BOT

Các trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên các tuyến quốc lộ (QL), đường cao tốc mới xây đang khiến nhiều doanh nghiệp vận tải bức xúc. Xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông là cần thiết, nhưng dư luận cần sự minh bạch để cảm thấy không bị áp lực nộp phí cao.

Dày đặc trạm thu phí

Đại diện doanh nghiệp xe khách Huyền Bình ở Bến xe Giáp Bát phản ánh: “Hàng tháng vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ với mức 390.000 đồng/xe. Nhưng tới đây, khi nhà đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đưa vào khai thác các trạm thu phí BOT Km 188 + 300 (đầu tuyến vào cao tốc), trạm BOT qua cầu Tân Đệ, trạm BOT Mỹ Lộc và từ 1/1/2016 nếu được Bộ GTVT thông qua sẽ có thêm một trạm thu phí BOT tuyến tránh TP Phủ Lý, mỗi xe khách của doanh nghiệp chạy tuyến Giáp Bát - Thái Bình, dài 120 km, phải chịu thêm phí qua 4 trạm BOT, gánh nặng phí đang đổ lên đầu nhà xe, mà hành khách thì ngày càng giảm...

Trạm thu phí Km 188+300 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đang được nhà đầu tư gấp rút hoàn thiện đưa vào hoạt động.


Tương tự, anh Nguyễn Thành Tuấn lái xe hợp đồng Hãng Trung Thành bày tỏ: “Cảm giác cứ bước chân ra khỏi nhà là gặp trạm thu phí. Phí chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An, Hà Tĩnh... trên QL1 khiến nhiều lái xe “ngột ngạt” vì phí. Xe chạy hết cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ Đại Xuyên đến trạm Cao Bồ hết 140.000 đồng/lượt, qua trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa), trạm thu phí Hoàng Mai (Nghệ An)... phải chịu thêm phí 75.000 đồng/lượt...”.

Theo Bộ GTVT, trên các tuyến QL cả nước hiện có 96 trạm đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT). Cụ thể, có 45 trạm thu phí đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT và 51 trạm thu phí chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành (từ nay đến năm 2018). Trong số 96 trạm thu phí, có 83 trạm do Bộ GTVT ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT.

Quy hoạch trạm thu phí trên cả nước

Trước thực tế các tuyến đường như Pháp Vân - Cầu Giẽ, Nội Bài - Lào Cai, QL1... đặt nhiều trạm thu phí có khoảng cách chỉ từ 40 - 50 km, trong khi Thông tư 159/2013/BTC của Bộ Tài chính thì khoảng cách các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường tối thiểu là 70 km, Bộ GTVT đã lý giải về mật độ dày của các trạm thu phí BOT.

Theo Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) Đỗ Văn Quốc, thực tế, các dự án giao thông đều có đặc thù phát sinh như: Phải thi công hầm chui, xây cầu thay thế cầu phao, đường bộ đi qua các khu vực đông dân cư, nhu cầu giải phóng mặt bằng lớn... nên khó có thể đặt các trạm thu phí đáp ứng chuẩn 70 km. Mặt khác, trong quá trình thẩm định các dự án BOT, Bộ GTVT đã lựa chọn phương án đầu tư đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Trong trường hợp khoảng cách giữa các trạm thu phí không đáp ứng khoảng cách 70 km, thì Bộ GTVT đều có thỏa thuận thống nhất với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính cho phù hợp.

Bộ GTVT cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đặt các trạm thu phí BOT hiện nay tuân thủ các quy định hiện hành. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trạm thu phí đặt cách nhau 70 km hay dưới 70 km đều đúng, nhưng phải có sự thỏa thuận chung giữa cơ quan hữu quan và địa phương. Thực tế, theo yêu cầu của một số địa phương, nếu đặt đúng khoảng cách 70 km, thì một số trạm thu phí lại rơi vào giữa trung tâm thành phố, thị xã hoặc khu đông dân cư, nên không tiện lợi. Do đó, trước khi đặt các trạm thu phí, Bộ GTVT đều lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch đầu tư, Tài chính và UBND các tỉnh để điều chỉnh vị trí cho phù hợp.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang khẩn trương xây dựng tổng thể quy hoạch các trạm thu phí trên cả nước. Nhu cầu xã hội hóa đầu tư hạ tầng hiện nay là giải pháp chủ lực trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và nằm trong chiến lược tổng thể phát triển ngành GTVT. Bộ GTVT đã giao Viện Chiến lược GTVT khẩn trương hoàn thiện quy hoạch này, trình Chính phủ phê duyệt.

Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, không nên khoán trắng cho nhà đầu tư BOT, phải kiểm soát ngay từ khâu lập dự án, khâu tính toán thời gian thu phí hoàn vốn, nếu cần thiết có thể thuê kiểm toán độc lập. Ngoài ra, phải tính toán lượng xe minh bạch, nếu thu hồi vốn nhanh thì phải giảm thời gian thu phí, còn nếu lượng thu ít thì cũng tính toán kéo dài thời gian hoàn vốn. Điều đáng nói, phí thu qua các trạm BOT đều cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với quy định. Bởi vậy, các doanh nghiệp vận tải đều cho rằng, Bộ GTVT nên tính toán lại mức thu phí bảo trì đường bộ, trong bối cảnh quá nhiều các trạm BOT mọc lên.

Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT Nguyễn Thanh Phong cho rằng, cùng với việc minh bạch thông tin, hàng năm, cơ quan quản lý đường bộ là Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải rà soát lại các trạm thu phí để kịp thời có phương án xử lý, giải quyết tháo gỡ cho nhà đầu tư, đồng thời quan tâm bảo vệ quyền lợi của người dân tham gia giao thông.

Tiến Hiếu
Thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 19/5
Thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 19/5

VIDIFI đề xuất áp dụng mức thu phí tiêu chuẩn là 1.500 đồng/km/xe, tương tự với mức phí đang thu trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bến Lức - Long Thành và Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN