Cân nhắc xả lũ các hồ chứa phía Bắc

Việc xả lũ các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất vùng hạ du và an toàn của hệ thống đê bảo vệ đồng bằng sông Hồng.

Hôm nay (14/7) Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp khẩn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương và các công ty thủy điện phía Bắc về công tác điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. 

 Từ giữa tháng 6 đến nay, các tỉnh miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng mưa lũ kéo dài. Một số khu vực có mưa rất lớn cục bộ. Mặc dù chưa đến thời kỳ lũ chính vụ, nhưng mực nước hiện nay tại các hồ chứa thủy điện đã ở mức cao hơn nhiều so với mức trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt là hồ Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình có thể phải xả lũ trong những ngày tới…Bên cạnh đó, vùng thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong vài ngày tới.
    

Cân nhắc xả lũ các hồ chứa phía Bắc. Ảnh TTXVN

Ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La và Lai Châu nêu ý kiến, xả lũ của hồ Hòa Bình và giữ ở mức cắt lũ an toàn cho vùng hạ du. Dung tích hồ Sơn La hiện nay vẫn còn 3,2 tỉ mét khối đủ khả năng cắt lũ trong vòng 1 tháng.
          
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhận định, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, mưa lũ đã có diễn biến phức tạp so với cùng kỳ những năm trước. Nhiều nơi, lượng mưa đo được trong vòng 1 tháng lên đến 2 nghìn mm, bằng tổng lượng mưa cả năm. Việc xả lũ các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất vùng hạ du và an toàn của hệ thống đê bảo vệ đồng bằng sông Hồng. Điều này đòi hỏi công tác điều hành liên hồ chứa và việc xả lũ thượng nguồn phải được tính toán hết sức cẩn thận, tránh ảnh hưởng đến khu vực hạ du.

Ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nêu rõ, chất lượng dự báo, tư vấn tính toán điều hành hồ chứa thủy điện còn nhiều hạn chế nguyên nhân do hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn thượng lưu sông Hồng còn thưa và chưa đồng bộ; thiếu thông tin về mưa, dòng chảy cũng như xả lũ của các hồ chứa thủy điện từ phía thượng nguồn phía Trung Quốc; Mô hình tính toán không được cập nhật thường xuyên do thiếu các dữ liệu về địa hình.


Vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cùng chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về ứng phó mưa lũ khu vực miền núi phía Bắc;  bám sát diễn biến mưa lũ, thông báo kịp thời đến người dân vùng hạ du để có phương án chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra….

Ông Trần Quang Hoài đề nghị, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Trung ương ở mức độ cao nhất theo dõi và đưa ra dự báo sát và chi tiết nhất tham mưu Ban chỉ đạo trong điều hành. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo có trách nhiệm cập nhật nhanh nhất các số liệu truyền tải cho các đơn vị tư vấn tính toán để đưa ra dự báo sát nhất. Mưa lũ những ngày vừa qua đã lớn nhưng chưa phải đối phó nhiều. Ở miền Bắc lũ còn kéo dài 2 đến 3 tháng nữa. Các địa phương thực hiện nghiêm công điện của Chính phủ và của Ban chỉ đạo thông tin đến người dân về lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và khả năng xả lũ của các hồ chứa.

H.V/Báo Tin Tức
Thủy điện Tuyên Quang xả lũ, hơn 70 tấn cá trị giá 4 tỷ đồng bị nước cuốn trôi
Thủy điện Tuyên Quang xả lũ, hơn 70 tấn cá trị giá 4 tỷ đồng bị nước cuốn trôi

Sau khi Thủy điện Tuyên Quang tiến hành xả lũ, 35 lồng cá của một trang trại nuôi cá trên sông Gâm, ở hạ lưu thủy điện thuộc địa phận huyện Chiêm Hóa đã bị nước cuốn trôi, thiệt hại lên đến 4 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN