Những năm gần đây, Nhà nước, Bộ KH&CN ngày càng quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực KHCN với nhiều chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ các NKH để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, Phạm Công Tạc: Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển, nhưng hiện nay môi trường, điều kiện cho các nhà khoa học đã có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40 về việc sử dụng và trọng dụng các cán bộ khoa học và công nghệ. Trong nghị định đã có các nội dung về tạo điều kiện cho nhà khoa học trẻ tài năng được hưởng một số ưu đãi như: Được xét tuyển dụng đặc cách không qua thi vào làm việc trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, được ưu tiên cử tham gia chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài…
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN vừa trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Đề án nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý, nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại của đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, hình thành lực lượng chuyên gia khoa học và công nghệ trình độ cao. Theo đó, sẽ đào tạo, bồi dưỡng khoảng 150 chuyên gia (giai đoạn 2016 - 2020) và khoảng 200 chuyên gia (giai đoạn 2021 - 2025) ở nước ngoài nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng nghiên cứu và triển khai những vấn đề khoa học và công nghệ của ngành, lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực và thế giới; tạo nguồn để phát triển thành nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư…
Để các chính sách ưu đãi người làm khoa học, nhà nghiên cứu thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, các chuyên gia cho rằng cần có hai “đòn bẩy” lớn, bao gồm tạo thu nhập tương xứng và môi trường làm việc đủ động lực cho các nhà khoa học đóng góp tài năng.
Theo ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN, các chính sách phát triển nhân lực KHCN đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, các nội dung vẫn còn nói chung chung, để thực hiện có hiệu quả, cần cụ thể hơn các chính sách về đãi ngộ. Nên tập trung vào hai vấn đề hiện đang còn vướng mắc là: Tăng thu nhập cho những người làm nghiên cứu khoa học. Tuy không phải là vấn đề có yếu tố quyết định nhưng đây là điều kiện không thể thiếu. Các NKH khi về nước phải được đáp ứng các yêu cầu thu nhập, sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống như: nhà ở, lương, thưởng… không thể kém hơn so với mức họ được hưởng khi làm việc ở các nước khác. Bên cạnh đó cũng cần có giải pháp để tạo lập môi trường làm việc khoa học và thực sự chuyên nghiệp để các NKH có thể phát huy được những kiến thức, năng lực trong nghiên cứu để có những công trình có chất lượng.
Cũng theo ông Hiến, dựa vào các chính sách đã có, hiện một số nơi đã dần có những chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Như TP Hồ Chí Minh đã có chính sách ưu đãi với mức lương có thể lên đến 150 triệu đồng/tháng đối với NKH làm việc tại một số cơ sở nghiên cứu của thành phố. Đây là một cách làm rất mạnh dạn và có hiệu quả.
Như một giải pháp góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc thành lập Viện khoa học Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) theo mô hình viện KIST của Hàn Quốc, là nơi để các NKH có thể thỏa sức sáng tạo, nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các NKH trong nước, các chuyên gia khoa học từ các nước đến Việt Nam làm việc.
“Đây sẽ là nơi để các NKH khẳng định mình và tập trung nghiên cứu mà không lo đến cơ chế chính sách. Bên cạnh đó họ còn nhận được chế độ đãi ngộ tốt về lương, điều kiện làm việc, mà không bị kiểm soát. Là nơi thí điểm để tháo gỡ những khó khăn về cơ chế nếu các nhà khoa học thành công”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.