Cần “đòn bẩy” phát triển nguồn nhân lực KHCN

Đội ngũ làm khoa học vừa thiếu vừa yếu

Mục tiêu của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là đến năm 2020 sẽ hình thành được 25 viện nghiên cứu tiên tiến, trung tâm nghiên cứu xuất sắc theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là con số khó lòng đạt được do thiếu sự quan tâm đúng mức và kế hoạch cụ thể để nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ nhân lực trình độ cao.

Cơ chế sử dụng chưa phù hợp

Mặc dù có tăng trong những năm qua, nhưng nhân lực KHCN của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước phát triển cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ trên dân số.

Kế hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020, số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 9 - 10 người/vạn dân. Theo kết quả điều tra mới đây, cả nước có hơn 164.700 người tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học (đạt 14 người/vạn dân). Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học này không được dành toàn bộ thời gian công tác cho nghiên cứu khoa học, mà phải kiêm thêm nhiều công việc khác tại các đơn vị nghiên cứu. Vì vậy, tính theo tiêu chuẩn thì số lượng nhà khoa học ở Việt Nam chỉ đạt 7 người/vạn dân.

Lực lượng nghiên cứu KHCN vẫn chưa được đãi ngộ đúng mức. Ảnh: vietq.vn

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đánh giá, tiềm lực và trình độ của đội ngũ cán bộ KHCN ở nước ta tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế, thiếu các cán bộ đầu ngành có khả năng chỉ huy triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế. Trình độ KHCN của nước ta nhìn chung còn khoảng cách tụt hậu xa so với thế giới. KHCN và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế. Đây cũng là một thách thức lớn của KHCN khi chúng ta hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế.

Mặc dù Bộ KH&CN đã có nhiều chính sách quan tâm đến thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực KHCN, tuy nhiên những chính sách này chưa thực sự có hiệu quả trong thực tế. Có một thực trạng là tại các đơn vị, viện nghiên cứu hiện nay do còn có nhiều ràng buộc vấn đề tổ chức, quản lý nhân sự, cũng như hạn chế về tiềm lực tài chính khiến người lãnh đạo, trưởng nhóm nghiên cứu khó có thể đưa ra những quyết định đủ sức hấp dẫn và kịp thời để giữ chân các nhà khoa học tài năng làm việc trong đơn vị của mình. Thậm chí, chưa thể chủ động tạo được những điều kiện cần thiết cho các nhà khoa học mang các ứng dụng, nghiên cứu mới về triển khai ở trong nước. Điều này khiến các nhà khoa học không thể bắt tay ngay vào nghiên cứu khi được tiếp nhận về các viện.

Đãi ngộ chưa tương xứng

Là một nhà khoa học trẻ từng có thời gian học tập, làm việc tại Pháp, với mong muốn đóng góp cho đất nước, TS Nguyễn Thị Hương quyết định trở về nước và làm việc tại Viện Toán học (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam). Tuy nhiên, khi nhận mức lương 3 triệu đồng/tháng, cô thực sự cảm thấy chật vật. TS Hương chia sẻ, cô cũng không chắc chắn liệu thời gian tới có thể tiếp tục gắn bó với việc nghiên cứu tại Viện Toán học nữa hay không.

Trường hợp của TS Hương cũng là tình trạng chung của nhiều nhà khoa học tại các đơn vị nghiên cứu trong nước hiện nay. Làm công việc nghiên cứu rất vất vả trong khi thu nhập lại không đủ sống khiến nhiều người phải làm thêm những việc khác, không thể toàn thời gian tập trung cho việc nghiên cứu. Chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ làm nghiên cứu khoa học còn hạn chế, chưa tương xứng với công sức bỏ ra của các nhà khoa học là yếu tố khiến các đơn vị nghiên cứu khó lòng giữ chân nhiều nhà khoa học tài năng, chưa nói tới việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ ngoài nước về làm việc.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, trong khi các nguồn cán bộ khác như bác sỹ, giáo viên, công chức đều được hưởng một mức phụ cấp nhất định thì ngạch nghiên cứu viên, kỹ sư, những người trực tiếp hoạt động khoa học hiện đang không có phụ cấp. Ngoài ra, chính sách đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là những chuyên gia từ nước ngoài về Việt Nam cũng đang còn nhiều bất cập.

“Hầu hết các NKH hiện nay đang làm việc mức lương cơ bản chỉ khoảng vài triệu đồng/tháng, rất thấp so với mức lương nếu họ làm việc tại nước ngoài. Nếu cứ giữ mức lương thế này thì khó có thể xây dựng một lực lượng nghiên cứu khoa học mạnh”, ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN khẳng định.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh: Thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển hệ thống tổ chức và nhân lực ngành KHCN, trong đó sẽ tập trung vào Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KHCN ở trong và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước. Đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tổ chức và nhân lực KHCN địa phương. 

Thạc sỹ Lương Trung Sơn, Học viện Kỹ thuật Quân sự: Cái cần để thu hút nhà khoa học trẻ là môi trường làm việc thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh cũng như có nhìn nhận, đánh giá chính xác để người tài có thể yên tâm, mong muốn phấn đấu và khẳng định mình. 

TS Nguyễn Thanh Thịnh, Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ KH&CN: Mức lương trả cho các NKH hiện nay mới chỉ bằng 1/10 các nước trong khu vực, còn quá thấp so với các nước phát triển. Cho nên, khu vực khoa học và công nghệ chưa trở thành nam châm thu hút người tài trong và ngoài nước. Nhiều chính sách đãi ngộ đã có chưa thực sự đi vào cuộc sống sáng tạo khoa học.



Tạ Nguyên
Cần những chính sách hiệu quả
Cần những chính sách hiệu quả

Ngoài những cơ chế mở khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, Nhà nước cần “mạnh tay” trong việc đãi ngộ, đảm bảo được đời sống cho các nhà khoa học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN