Sáng nay (7/11), Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Giải pháp giải toả ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất” nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học về nguyên nhân cũng như giải pháp hiệu quả cho thực trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Qua đó, xây dựng kiến nghị Chính Phủ, Bộ GTVT, Thành uỷ - UBND TP Hồ Chí Minh các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực này nói riêng và thành phố nói chung.
Nhiều nhà khoa học đồng tình cho rằng, từ vai trò quan trọng của sân bay Tân Sơn Nhất cùng với sân bay Long Thành trong tầm nhìn phát triển của thành phố và của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hội thảo này không bàn bạc những giải pháp mang nặng tính tình thế như những cuộc hội thảo trước đây.
Thay vào đó, cần phải tìm ra giải pháp giải toả ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất một cách toàn diện trên cơ sở khoa học trước thực trạng nhiều năm qua đất đai khu vực quanh sân bay bị sử dụng cho nhiều mục đích không phù hợp. Thậm chí, có những lúc thông tin dư luận đòi bỏ hẳn sân bay này để phát triển đô thị.
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoà, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, trong mỗi khu đô thị, nhất là đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, có rất nhiều các khu đô thị với những chức năng khác nhau, được bố trí sắp đặt trong các một “bộ khung giao thông” với các mạng lưới đường phố.
Quang cảnh hội thảo tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất do Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức. |
Trong những khu chức năng đó, có những khu chức năng có tính chất đặc biệt như: sân bay, bến cảng, kho tàng lớn… với khối lượng, tần suất vận chuyển cao thì phải được tiếp cận bằng những tuyến đường chuyên dụng riêng chứ không hạn chế sử dụng mạng lưới đường phố trong đô thị.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoà dẫn chứng: Khi đoạn đường mới đi qua công viên Gia Định, kết nối từ vòng xoay Nguyễn Kiệm tới đường Trường Sơn hoàn thành, ngay lập tức xuất hiện dòng xe với lưu lượng lớn chạy từ Gò Vấp, Thủ Đức… về quận Tân Bình, Tân Phú… Mặc dù hoàn toàn không có nhu cầu vào sân bay Tân Sơn Nhất song không thể ngăn các dòng xe này vì đây là mạng lưới đô thị chứ không phải đường chỉ dành cho sân bay.
“Trước hiện tượng trên, các cơ quan quản lý giao thông lo lắng đường vào sân bay kẹt nên đã và đang tìm mọi cách ngăn chặn dòng xe này bằng các loại biển cấm, do đó đã làm náo loạn cả khu vực vốn lâu nay rất yên tĩnh tại các đường nhánh trong khu vực Phổ Quang… Ví dụ trên là một minh chứng rất rõ về việc tiếp cận sân bay lớn chỉ bằng mạng lưới đường phố trong đô thị”, GS.TS Nguyễn Trọng Hoà phân tích.
Như vậy, rõ ràng việc xử lý bài toán ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chính là phải xây dựng bổ sung một mạng lưới đường chuyên dụng. Đây là một giải pháp lâu dài, tốn kém nhưng là một giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để, bền vững vấn đề tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất.
Giao thông trước cổng sân bay bị ùn tắc nghiêm trọng dù có cầu vượt. |
GS.TS Nguyễn Trọng Hoà kiến nghị đề xuất triển khai một vành đai đường chuyên dụng trên mặt đất kết hợp với đường trên cao (với tĩnh không cho phép từng đoạn) khép kín vòng quanh sân bay. Vành đai này được kết nối với các hướng tiếp cận từ các trục đường nối với đường Vành Đai 2 hiện tại, thuận lợi trong việc tiếp cận hành khách các tỉnh, thành trong vùng từ cửa ngõ Quốc lộ 1, 22, 13…
Tuyến đường này chủ yếu chạy sát hàng rào sân bay ở những đoạn cho phép và có thể vòng rộng ra một số khu vực xung quanh sân bay. Các phương tiện giao thông khi lên tuyến đường này chỉ để tiếp cận các nhà ga trong sân bay.
Được biết, hiện Bộ GTVT đang thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu các phương án cải tạo mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để trình Chính phủ quyết định vào tháng 12 tới đây. Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng phương án cải tạo nên theo hướng mở rộng cả vùng phía Bắc sân bay.
Tuy nhiên, nếu phương án mở rộng sân bay lên phía Bắc không được chọn thì giải pháp đề xuất trên vẫn hợp lý. Khi đó, tuyến đường chuyên dụng này sẽ chỉ kết nối các trục giao thông của vùng qua đường Vành Đai 2.
Có cầu vượt nhưng không thể phá thể độc đạo của tuyến đường Trường Sơn. |
Ngoài ra, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng trước mắt cần phải tiếp tục phá thế độc đạo dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất và tình trạng mượn đường Trường Sơn. Bởi từ kết quả phân tích, tình trạng mượn đường Trường Sơn (70% xe máy, 62% xe ô tô) đóng vai trò chính gây ùn tắc giao thông. Do đó, mục tiêu chính là phải phá thế độc đạo của đường Trường Sơn.
“Vừa qua, giải pháp đã thực hiện cho mục tiêu này là làm cầu vượt trên đường Trường Sơn dẫn vào sân bay và cầu vượt dẫn ra sau thì đã không hiệu quả, không thể phá thế độc đạo của đường Trường Sơn. Do vậy, nên mở thêm các cửa ra vào cho sân bay và tạo thêm đường tránh cho các tuyến đường phía Bắc sân bay như: Phạm Văn Đồng, Quang Trung, Nguyễn Oanh và các con đường phía Nam sân bay như: Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu… thì sẽ giảm lưu lượng giao thông cho đường Trường Sơn”, TS. Nguyễn Hữu Nguyên kiến nghị.
Bên cạnh đó, có đề xuất trên hiện trạng có cầu vượt đường Trường Sơn nên kéo dài thành đường trên cao hai chiều qua khu vực công viên đường Hoàng Văn Thụ tới vị trí hợp lý thì xuống đường Nguyễn Văn Trỗi. Với việc xây dựng tuyến đường trên cao này, giao thông khu vực đường Hoàng Văn Thụ sẽ được cải thiện khá nhiều. Riêng mạng đường đô thị tại khu vực sân bay vẫn cho vận hành như hiện nay.
Có ý kiến đề xuất đưa cầu vượt thành đường trên cao tại hội thảo sáng nay. |
Một giải pháp khác cũng được các nhà khoa học đề cập đến để giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là thành phố cần có giải pháp ưu tiên hàng đầu cho giao thông công cộng có sức chở cao để sử dụng hiệu quả nhất hạ tầng. Điều đáng nói là kết hợp giải pháp mềm tích hợp công nghệ sẽ tiết kiệm chi phí, hiệu quả nhanh, có tính bền vững.
Cụ thể tại hội thảo, giải pháp “Vành đai số, Lưới số, Lõi (core), Mạng P&Fs và Bus hàng không” cũng đã được các nhà khoa học đề xuất. Đây là những giải pháp phi công trình chỉ cho phép phương tiện được định danh (phương tiện có kết nối bằng công nghệ) vào trong bán kính 1,5 km sân bay được kết nối và xử lý thời gian thực để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay.