Trong can thiệp trẻ tự kỷ, phương pháp can thiệp dựa vào vui chơi là phương pháp tác động hiệu quả để hỗ trợ cải thiện sự giao tiếp, tương tác các hành vi. Khi vui chơi, trẻ được hoạt động cả thể chất lẫn não bộ, từ đó kết hợp khéo léo, phát triển các giác quan, trí tuệ, gia tăng quá trình tương tác.
Phương pháp can thiệp tốt nhất
Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh được đặc trưng bởi 2 nhóm suy yếu chính là: Khó khăn, hạn chế trong tương tác, giao tiếp, chia sẻ mang tính xã hội; các hành vi, sở thích hạn hẹp và định hình lặp lại. Tự kỷ có thể đi kèm với các dạng rối loạn khác như rối loạn phát triển trí tuệ, rối loạn cảm giác… Do đó, trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và các hoạt động chức năng khác như vui chơi, học tập…
Theo Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng Trần Văn Công, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội, trẻ tự kỷ thường hay chơi một mình, khó khăn trong việc tương tác với người khác nếu người khác không chủ động. Trẻ không tự khởi xướng hội thoại trong khi khả năng ngôn ngữ giới hạn khiến bạn bè, thầy cô không nhận biết được nhu cầu của trẻ, từ đó cơ hội để trẻ chơi chung với mọi người và khám phá thế giới bị cản trở. Trẻ cũng thích chơi theo ý mình; nói câu chuyện của riêng mình, không chơi theo ý bạn... nên rất khó hòa nhập, chơi nhóm.
Trẻ tự kỷ thường bị cuốn hút với một số đồ vật, hình khối, con số, chữ cái và màu sắc nào đó. Trẻ cũng thường lo âu, sợ hãi nên có xu hướng lặp đi lặp lại một hoạt động để thấy an toàn và đỡ lo lắng hơn. Do đó, trẻ thường cứng nhắc trong lịch trình sinh hoạt như: quen với cái gối, thìa, muỗng, bát, đĩa hay con đường nhất định và cảm thấy khó chịu với sự thay đổi.
Trẻ tự kỷ cũng có xu hướng bận tâm quá mức với một vài đồ chơi nhất định, chơi lặp đi lặp lại rất lâu, không quan tâm nhiều loại và không biết đa dạng cách chơi. Đặc biệt, trẻ thường hiểu mọi thứ theo nghĩa đen; không hoặc hiểu ít về các mối quan hệ giữa các đối tượng trong một hoạt động nên rất khó chơi kiểu tưởng tượng, nhập vai.
Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng Trần Văn Công cho rằng, vì hạn chế trong tương tác xã hội là khó khăn cốt lõi của trẻ tự kỷ nên muốn can thiệp được cho trẻ thì phải tương tác được với trẻ. Muốn tương tác được với trẻ thì phải dựa trên hứng thú, sở thích của trẻ để thu hút. Nếu trẻ không có hứng thú nào, cha mẹ, người chăm sóc hãy giới thiệu trò chơi cho trẻ và làm nó trở nên vui vẻ, thú vị.
Đồ chơi và trò chơi theo từng lứa tuổi cùng sự khích lệ, hướng dẫn của cha mẹ, người chăm sóc là nền tảng, môi trường giúp trẻ phát triển tốt nhất. Vì thông qua chơi đùa trẻ tự kỷ có cơ hội khám phá thế giới xung quanh; kết bạn để hòa nhập; phát triển khả năng giao tiếp, ngôn ngữ nhờ việc quan sát và tương tác xã hội, cảm xúc; phát triển về thể chất, nhận thức, phản xạ, tư duy; tự điều chỉnh năng lực xã hội, sự thông cảm; tăng sự phản biện xã hội, tự chủ; giảm bớt các hành vi không phù hợp, lặp đi lặp lại…
Cần giúp trẻ chơi khái quát, mở rộng
Với trẻ em bình thường, trò chơi tưởng tượng, đóng vai có lẽ là trò chơi rất thú vị. Chỉ với một đồ chơi bình thường như chiếc que, trẻ có thể nghĩ thành chiếc đũa thần, cây kiếm; búp bê có thể biến thành công chúa để may đồ, em bé để ru ngủ hay bệnh nhân để cho uống thuốc… trẻ cũng rất thích lôi kéo người khác chơi cùng và đòi hỏi người khác chú ý hành động chơi của mình. Nhưng trẻ tự kỷ thì khác, nếu không được hướng dẫn nhiều lần, trẻ sẽ chơi một đồ vật với chỉ một cách chơi đơn điệu, không biết “biến” mình hay đồ chơi thành nhân vật và cũng không cần có người khác chơi cùng hoặc hưởng ứng…
Thạc sĩ Lê Thị Tâm, đồng tác giả cuốn tài liệu Hướng dẫn “Chơi cùng con” dành cho phụ huynh, người chăm sóc, nuôi dưỡng và kỹ thuật viên can thiệp trẻ tự kỷ cho hay, khả năng quan sát, bắt chước, nắm bắt đặc điểm, cảm xúc, biểu cảm từng nhân vật của trẻ tự kỷ rất kém, do đó cách gần gũi nhất để dạy trẻ chơi đóng vai chính là sử dụng sách, truyện tranh, giúp lược tả các vấn đề để trẻ có thể học. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ nên lựa chọn những quyển sách truyện có yếu tố tương tác; mô tả được đặc điểm của nhân vật; nội dung đa dạng; hình thức bắt mắt, ngộ nghĩnh, xây dựng được các hình ảnh, hoạt động đặc thù…
Bên cạnh đó, khả năng chơi khái quát của trẻ tự kỷ rất kém nên có những trường hợp trẻ chơi ở nhà với đồ vật quen thuộc rất tốt nhưng khi đến một nơi khác, chơi với người khác hay đồ vật khác tương tự thì không thể chơi được. Do đó, sau khi nương theo cách chơi của trẻ, người chăm sóc trẻ cần chuyển sang giai đoạn khái quát hóa để mở rộng kỹ năng chơi cho trẻ như: đa dạng đồ chơi, cách chơi, không gian chơi, người chơi, tình huống chơi...) Ví dụ: Cùng chơi đi siêu thị nhưng mỗi lần sẽ đi bằng một phương tiện khác, một siêu thị khác, mua những món đồ khác nhau... điều này sẽ giúp trẻ thích nghi tốt trong các môi trường khác nhau.
Trong quá trình dạy trẻ chơi, người lớn có thể rèn luyện thêm vốn từ cho trẻ bằng cách làm đến đâu nói đến đấy để giúp trẻ gắn vốn từ vào hoạt động, từ đó làm vốn từ của trẻ phong phú hơn. Khi quan sát thấy trẻ có biểu hiện thích thú với đồ chơi và trò chơi, người chơi cùng trẻ cần khen ngợi và khuyến khích trẻ tiếp tục duy trì cuộc chơi, Thạc sĩ Lê Thị Tâm hướng dẫn.
Trẻ tự kỷ thường không biết cách chơi, nên để dạy trẻ chơi không phải là việc dễ dàng. Với đặc điểm vui chơi của trẻ tự kỷ, gia đình, thầy cô, người chăm sóc cần có sự chấp nhận, kiên nhẫn, hướng dẫn, tổ chức trò chơi phù hợp dựa trên sở thích, khả năng, sức khỏe của trẻ nhằm giúp trẻ dần dần học hỏi, phát triển các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hòa nhập.