Tại quận Ninh Kiều, các tuyến đường như Mậu Thân, 30-4, Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực Cồn Khương… nước lên cao tràn vào nhà dân, đặc biệt là các tuyến đường ở gần bờ sông, tình trạng ngập khá nghiêm trọng.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, mực nước đo được trong sáng 29/9 là 2,14m, vượt báo động III là 0,24m.
Tại Cồn Khương thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, vào sáng 29/9, nước từ sông Hậu đã tràn qua bờ đê bao vào gây ngập nhà cửa, vườn cây các hộ dân ở khu vực 3.
Ông Bùi Văn Hên (70 tuổi, sống tại khu vực 3 Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) cho biết, nước bắt đầu ngập từ sáng 28/9. Hiện căn nhà cũng là nơi kinh doanh quán ăn của ông Hên đã ngập hoàn toàn, nơi sâu nhất hơn 1m. Đồ đạc được ông di dời ra để tạm ngoài đường, chờ nước rút.
“Năm nào khi tới mùa triều cường là chỗ này đều ngập như vậy. Nước tràn vào nhanh nhưng thoát ra chậm, buổi sáng chưa rút xong lại tới con nước chiều. Việc kinh doanh của gia đình tôi phải ngưng lại cả tháng”, ông Hên nói. Khi con nước đầu tiên dâng lên bất ngờ vào sáng 28/9, ông chỉ kịp cứu một số tài sản, chiếc tủ lạnh không kịp di chuyển, đã bị ngập hơn phân nửa.
Theo ông Phạm Văn Năm (khu vực 3 Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), như mọi năm, triều cường gây ngập nhanh thì cũng rút nhanh. Tuy nhiên, do khu vực này mới được giao cho nhà đầu tư làm dự án bất động sản, phía ngoài được công ty bao chắn để bơm cát nên nước thoát ra rất chậm. Theo ông Năm, những hộ dân ở đây dã quen với việc triều cường gây ngập lụt vào thời điểm này hằng năm, cứ đến cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch nước lên là chuyện bình thường nhưng năm nay nước quá lớn và lên nhanh bất ngờ nên người dân không kịp xoay sở.
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, số liệu thực đo của trạm Cần Thơ trên sông Hậu trong sáng 29/9 ghi nhận được là 2,14m. Đây được xem là mực nước rất cao. Mực nước này chỉ thấp hơn 0,09m so với đỉnh triều năm ngoái. Tuy nhiên, đợt triều cường năm 2018 cũng là con nước lịch sử được ghi nhận tại Cần Thơ trong vòng 40 năm qua.
Cũng theo ông Ninh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo các địa phương tập trung 3 giải pháp chính để ứng phó với đợt triều cường này. Cụ thể, cần nắm chắc tình hình để chủ động phòng chống, dựa trên cơ sở diễn biến của số liệu thực đo cùng với số liệu dự báo được cập nhật thường xuyên, kịp thời cảnh báo đến người dân qua báo đài để người dân chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, tập trung đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, phòng ngừa tai nạn đuối nước nhất là với trẻ em, cùng các tai nạn như điện giật, tai nạn giao thông.
Để chủ động trong việc bảo vệ sản xuất, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, đặc biệt là các điểm xung yếu để có kế hoạch chủ động, nhất là những giờ đầu xảy ra cần tập trung lực lượng xử lý ngay.
Ông Ninh cũng khuyến cáo người dân con nước ngày 30/9 sẽ là đỉnh của đợt triều cường này, thời điểm xuất hiện thường vào giờ người dân bắt đầu đi làm và giờ tan tầm, do đó, người dân cần tuân thủ sự hướng dẫn của ngành chức năng, di chuyển theo sự điều tiết để đảm bảo an toàn, nhất là khi đi qua những điểm ngập sâu.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, mực nước đỉnh điểm của đợt triều cường này sẽ xuất hiện trong hai ngày 30/9 - 1/10 và được dự báo sẽ lên xấp xỉ 2,20m, trên báo động III 0,25m đến 0,30m. Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ nhận định đây là đợt triều cường cao trong năm, cần đề phòng khi triều lên có mưa lớn sẽ gây ngập lụt kéo dài. Mức độ rủi ro thiên tai có khả năng đạt cấp độ 3.
Dưới đây là một số hình ảnh người dân Cần Thơ "chống chọi" với triều cường: