Ông Lê Thiết, Chủ tịch Hội Nghề nuôi cá lồng xã Vinh Hiền cho biết, hiện tượng cá chết xảy ra ở 3 thôn Hiền Hòa 1, Hiền An 1 và Hiền An 2, với số lượng trên 500 lồng nuôi của 80 hộ dân, sản lượng trên 5 tấn.
Cá nuôi lồng tại Thừa Thiên Huế chết do thiếu ôxy. Ảnh: TTXVN |
Người dân nuôi 3 loại cá đặc sản, chủ yếu là cá hồng, cá mú và cá vẩu, trong đó cá nuôi bị chết chủ yếu là cá vẩu. Toàn bộ số cá chết này được người dân nuôi gần 1 năm tuổi, dự kiến sẽ bán vào dịp Tết Nguyên đán tới với giá trên 200 ngàn đồng/kg.
Ông Trần Đăng Đích, người nuôi cá lồng ở thôn Hiền An 1 cho hay: Trong hàng chục năm qua người nuôi cá lồng ở Vinh Hiền chưa bao giờ gặp sự cố như vậy. Hiện cá vẩu nuôi đã đạt trọng lượng mỗi con gần 1 kg. Do cá vẩu là loại cá đặc sản, chi phí đầu tư giống, thức ăn rất cao nên khi cá bị chết, thiệt hại gây ra cho người nuôi cũng rất lớn. Còn h ộ ông Huỳnh Cư, 44 tuổi, trú cùng thôn Hiền An 1 cho biết, hiện cá trong lồng nuôi của gia đình ông bị chết 80% là cá ở tầng dưới, còn ở tầng trên, cá đang trong tình trạng... lờ đờ.
Đầm Cầu Hai có diện tích khoảng 11.200 ha. Đây là đầm lớn nhất và là một trong các đầm tạo nên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, vốn là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất của Đông Nam Á. Tại đây, ngoài cá tôm tự nhiên trù phú, hàng chục năm qua nghề nuôi cá lồng đã mang lại nguồn sinh kế quan trọng cho nhiều gia đình quanh đầm Cầu Hai. Riêng tại xã Vinh Hiền có 2 chi hội nghề cá nuôi cá lồng với số hộ nuôi gần 300 hộ, số lượng gần 1.000 lồng nuôi, sản lượng cá bình quân hàng năm đạt gần 70.000 tấn...
Hiện chính quyền xã Vinh Hiền đã phản ánh hiện tượng cá chết lên huyện Phú Lộc; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu nước và xác minh nguyên nhân cá chết bất thường, giúp người dân yên tâm sản xuất...