Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, mục tiêu của bất cứ một kỳ thi nào, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) quốc gia gắn với việc xét tuyển đầu vào Đại học, Cao đẳng phải đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan, trung thực.
“Những sai sót trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2017 - 2018 không được phép diễn ra đối với kỳ thi năm nay. Yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia phải công bằng, chính xác, khách quan và phải đảm bảo niềm tin của dư luận xã hội và người dân”, đại biểu Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2017 - 2018 đã có những sự cố mà báo chí, dư luận xã hội quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cũng đã nhìn nhận và đề ra những giải pháp khắc phục.
"Những giải pháp kỹ thuật đã được tính đến, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của những người trực tiếp làm công tác coi thi, chấm thi… phải nâng cao ý thức để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”, đại biểu Phạm Tất Thắng nói.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, sự cố và hậu quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2017 - 2018 ở 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang để lại hết sức nặng nề. Đây là bài học cho cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, cũng như những người làm công tác này.
Đại biểu Phạm Tất Thắng mong muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2018 - 2019 diễn ra trung thực, khách quan, thực hiện đúng vai trò trách nhiệm, không để xảy ra những điều đáng tiếc. Đây cũng là yêu cầu của cử tri cả nước. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các địa phương, bởi việc tổ chức kỳ thi thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban kỳ thi.
Dưới đây là Video đại biểu Phạm Tất Thắng trả lời về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia: