Hơn tháng nay, người dân ở các xã biển ngang huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cũng như xã Thạch Kim rất bức xúc trước việc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh triển khai thu phí, lệ phí. Chính quyền các địa phương và người dân đều cho rằng, một số quy định của Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh không đúng và đề nghị Ban quản lý dỡ bỏ rào chắn, không thu phí người dân.
Bất cứ ai vào cảng đều phải mua vé. Ảnh: baohatinh.vn |
* Thu phí từ khi vào cổngTừ lâu cảng cá Cửa Sót được xem là nơi giao thương buôn bán thủy, hải sản, các phương tiện vào ra tấp nập, nơi tham quan, nơi bắt đầu những chuyến đi ra khơi bám biển của ngư dân... và đã trở thành nét đẹp văn hóa gắn với mảnh đất Lộc Hà.
Thế nhưng thời gian gần đây Ban quản lý các Cảng cá Hà Tĩnh đưa ra các khoản thu phí và lệ phí ngay từ khi vào cổng, mọi người muốn vào cảng cá đều phải mua vé, gây bức xúc cho đại đa số nhân dân, đặc biệt là ngư dân.
Từ tháng 2 đến nay, bất cứ ai từ ngư dân, người kinh doanh, công nhân bán xăng dầu (Công ty xăng dầu Hà Tĩnh phục vụ ngư dân ở trong cảng), khách tham quan... và ngay cả lực lượng an ninh làm nhiệm vụ vào cảng đều phải mua vé vào cổng.
Anh Nguyễn Văn Hồng ở xóm Sơn Bằng, xã Thạch Kim cho biết: Nhà tôi ở gần cảng. Làm nghề buôn bán hàng thủy sản nên mỗi ngày tôi ra vào cảng tới 2-3 chục lần. Trước đây khi chưa thu phí thì việc đi lại thuận tiện, chở hàng vào ra không phải dừng xe, mua vé nhưng bây giờ phải mua vé 2 ngàn đồng mới được vào trong. Mặc dù mỗi lần không nhiều nhưng tính ra một ngày cũng phải mất 40-50 ngàn đồng mà lại tốn thời gian.
Chị Nguyễn Thị Phượng (ở xóm Sơn Bằng) có hoàn cảnh hết sức khó khăn, hàng ngày vào cảng chở nước lã đi bán cho các gia đình trong xã kiếm 5-10 ngàn đồng để sống qua ngày. Từ khi quy định thu phí, hoàn cảnh của chị lại càng khó khăn hơn.
Tại xã Thạch Kim, người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt thuỷ, hải sản trên biển, tàu thuyền của ngư dân chủ yếu neo đậu tại cảng cá. Mỗi lần ra khơi bám biển sản xuất ngư dân phải dùng xe mô tô 2 bánh, xe ba gác để chuyên chở lực lượng lao động xuống tàu thuyền, cung cấp các nguyên vật liệu cũng như trao đổi tiêu thụ sản phẩm, mỗi ngày có hàng trăm lượt người ra vào cảng cá.
Không chỉ những ngư dân hay người nhà ngư dân mà ngay cả những người vào làm nhiệm vụ bán xăng dầu, cán bộ xã, lực lượng an ninh xuống làm nhiệm vụ cũng bắt buộc phải mua vé vào cổng. Một đồng chí Công an xã Thạch Kim cho biết, vừa qua lực lượng Công an xã phát hiện và bắt giữ ở cảng cá một vụ đánh bạc. Sau đó, anh em công an đến đưa giấy triệu tập đối tượng lên xã làm việc cũng bị chặn lại, thu phí 2 ngàn đồng.
* Cần xem xét lại việc thu phí cho hợp lýNgay sau khi Ban quản lý các cảng cá thực hiện việc thu phí và lệ phí ở xã Thạch Kim, chính quyền xã đã có tờ trình gửi UBND huyện Lộc Hà đề nghị can thiệp, không thu phí xe máy của ngư dân ra vào cảng.
Tờ trình nêu rõ, thời gian gần đây Ban quản lý cảng cá thu phí các loại phương tiện ra vào cảng, trong đó phần lớn là xe mô tô 2 bánh của bà con và du khách thăm quan, gây tâm lý băn khoăn lo lắng trong lúc luồng lạch bị bồi lắng khô cạn, điều kiện làm ăn không thuận lợi, đời sống của một bộ phận lớn của người dân gặp rất nhiều khó khăn...
Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kim Phạm Xuân Lộc thẳng thắn nói: Việc thu phí ở Cảng cá Cửa Sót có nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân. Cảng cá là nơi tàu thuyền hoạt động cũng là nơi buôn bán kinh doanh của bà con, ngư dân chở các thức ăn xuống thuyền cho người đi biển cũng phải trả tiền là không chấp nhận được.
Hiện nay trong Cảng, Ban quản lý cho thuê các ki ốt để kinh doanh và buôn bán hàng ăn mà mọi người muốn vào mua hàng phải trả tiền thì ai dám vào. Việc lực lượng an ninh xuống cảng cá làm việc cũng bị thu tiền thì không thể chấp nhận được. Ông Lộc đề nghị các cấp có thẩm quyền can thiệp chỉ thu phí các tàu và các xe tải vào mua bán tại cảng cá, còn xe máy và xe đạp nên không thu phí, tránh ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong khu vực.
Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, việc thu phí, lệ phí ở cảng cá Thạch Kim được thực hiện hiện từ giữa tháng 2/2104 căn cứ theo Quyết định 58 của UBND tỉnh ký ngày 31/12/2013, đã thông qua chính quyền địa phương cũng như họp với những thành phần tham gia trong cảng. Chỉ trong tháng 2, Ban quản lý cảng cá Hà Tĩnh thu được trên 26 triệu đồng và đóng 10% số tiền thu được cho Nhà nước.
Việc triển khai thu phí, lệ phí do Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh thực hiện thiếu bài bản, thiếu sự đồng thuận và phối hợp với chính quyền chưa chặt chẽ, chưa tuyên truyền sâu rộng đến người dân, chẻ nhỏ các khoản thu dẫn đến việc phí chồng lên phí. Các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh sớm vào cuộc, xem xét lại quyết định này cho hợp lý người dân yên tâm bám biển.
Công Tường