Cần xử lý nghiêm đối tượng lôi kéo người dân khiếu kiện

Vì quyền lợi riêng mà bóp méo sự thật, lôi kéo người khác khiếu kiện vượt cấp như một số người ở thôn Măng Tôn, Kon Tum đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của chính quyền cơ sở.

Từ tháng 3/2015, tại đường quy hoạch D4, đoạn qua thôn Măng Tôn, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chính quyền địa phương đã cho phép một doanh nghiệp được tập kết gỗ. Theo đó, bãi gỗ tập kết của doanh nghiệp trên đoạn đường này rộng khoảng 10.000 mét vuông. Tuy nhiên, việc tập kết gỗ đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh.

Chị Nguyễn Thị Thấm, nhà gần khu vực bãi tập kết gỗ cho biết: Từ khi có bãi gỗ tập kết, việc đi lại của người dân rất khó khăn, thậm chí họ còn cấm không cho dân đi lại. Đặc biệt, việc tập kết gỗ đã ảnh hưởng đến nhà của các hộ dân sống quanh khu vực.

Căn nhà của bà Luyện đòi đền bù 90 triệu đồng dù cách xa bãi gỗ 120 mét.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Luyện, thôn Măng Tôn, cho biết: Việc cho phép doanh nghiệp tập kết gỗ tại đây, chính quyền không thông qua dân. Doanh nghiệp còn rào đường, chặn xe, nên người dân kéo nhau lên huyện khiếu kiện. Trong tháng 6/2015, bà Luyện đại diện cho 13 hộ dân kiện lên UBND xã. Sau khi xã giải quyết, có 9 hộ đồng ý với chủ trương giải quyết hỗ trợ đền bù. Bà Luyện cùng các hộ còn lại vận động thêm 19 hộ khác làm đơn để tiếp tục khiếu kiện trong tháng 7/2015. Đến tháng 8/2015, bà Luyện đại diện cho 20 hộ dân kiến nghị lên huyện, tỉnh. Vào các ngày 12 và 20/8, ngày 10 và 20/9, bà Luyện cùng nhiều người dân kéo lên huyện để kiến nghị tiếp vì cho rằng “sự việc đã được UBND xã Bờ Y, Công an huyện Ngọc Hồi xem xét giải quyết, nhưng không hiệu quả, thiếu trách nhiệm, không công bằng gây mất niềm tin của dân….”. UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 1949 ngày 26/8/2015 chuyển đơn kiến nghị trên đến UBND huyện Ngọc Hồi kiểm tra, giải quyết, không để tình trạng đơn, thư vượt cấp. Ngày 23/11 vừa qua, bà Luyện lại tiếp tục lên trụ sở tiếp công dân tỉnh để kiến nghị…

Trước thực trạng trên, cuối tháng 8/2015, đoàn kiểm tra của huyện Ngọc Hồi gồm: Đồn Biên phòng cửa khẩu Bờ Y, UBND xã Bờ Y, Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum và chủ bãi gỗ đã tiến hành kiểm tra thực tế. Sau kiểm tra, đoàn đã kết luận việc cho phép hình thành bãi gỗ trên là không đúng quy định, ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của người dân thôn Măng Tôn. Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ bãi gỗ phải giải phóng bãi và hỗ trợ đền bù cho dân (tuy nhiên đến nay việc giải phóng bãi gỗ vẫn chưa xong). Doanh nghiệp đã đề xuất kiểm tra, xác minh thiệt hại dưới sự giám sát của UBND xã để thống nhất mức đền bù.

Theo đó, đã có 10 hộ dân trong thôn nhận tiền hỗ trợ từ 3 - 10 triệu đồng (tổng số tiền 59 triệu đồng). 12 hộ còn lại không chịu nhận hỗ trợ với lý do quá ít (đòi 645 triệu đồng). Không nhận tiền đền bù, một số hộ dân còn làm đơn khiếu kiện nhiều cấp để yêu cầu giải quyết vụ việc. Trong đó, bà Nguyễn Thị Luyện, người đứng ra làm đơn đại diện dẫn chúng tôi tới các hộ dân để khẳng định ảnh hưởng của việc tập kết gỗ. Cụ thể, tại căn nhà cấp 4 của chị Nguyễn Thị Thấm, móng nhà cao được chị Thấm khẳng định xây hết 200 triệu đồng vào năm 2012. Theo quan sát của chúng tôi, vết nứt nhà chị Thấm chỉ là khe hở giữa vách tường và nền nhà ở phòng khách, vết nứt rất nhỏ. “Doanh nghiệp đền 5 triệu đồng tôi không nhận, sau họ đưa 10 triệu đồng tôi cũng không nhận”, chị Thấm khẳng định. Riêng bà Nguyễn Thị Luyện, nhà cách bãi gỗ khoảng 120 mét, nhà đã cũ, vết nứt không mới, một số được chắp vá từ lâu nhưng bà vẫn khẳng định là vết nứt do bãi gỗ gây ra và quyết đòi mức đền bù là 90 triệu đồng.

Bà Luyện chỉ vết nứt trên tường nhà chị Thấm.

Ông Nguyễn Duy Cường, Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết: Lúc đầu chỉ có 12 hộ kiến nghị, sau lên 23 hộ. Các hộ đòi từ 40 - 90 triệu đồng nên doanh nghiệp không hỗ trợ. Doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm khi có kết luận nhà dân hư hỏng do việc tập kết gỗ gây ra. Việc các nhà dân nứt như trên là do nhà xây dựng trên khu vực đất yếu, xây tạm, móng tường kém. Tại khu vực đó cũng có một số nhà thuộc diện 167 do xã xây dựng nhưng không bị ảnh hưởng.

Ông Cường cho biết thêm: Một số hộ dân, trong đó có bà Luyện cho rằng, nếu kiện sẽ được nhận nhiều tiền đền bù hơn. Bà Luyện cũng là người thường xuyên lôi kéo người dân đi khiếu kiện. Ông Cường nêu ví dụ: Khi xã triển khai làm đường giao thông từ thôn Măng Tôn vào khu sản xuất thôn Đăk Mế, bà Luyện cũng kiện vì cho rằng làm đường sẽ cản trở việc vận chuyển nông sản của gia đình bà. Sau đó, bà kiến nghị lên xã, xã giải thích bà không đồng ý nên lôi kéo người dân lên huyện kiện...

Việc đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, sự công bằng là việc làm chính đáng của công dân. Tuy nhiên, nếu vì quyền lợi riêng mà bóp méo sự thật, lôi kéo người khác khiếu kiện vượt cấp như một số người ở thôn Măng Tôn đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của chính quyền cơ sở, gây mất an ninh trật tự, cần phải được xử lý nghiêm.

Cao Nguyên
Vẫn nhiều khiếu nại về đất đai
Vẫn nhiều khiếu nại về đất đai

Theo thống kê của cơ quan tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), trên cả nước, khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm từ 65 - 70% số đơn khiếu nại, tố cáo; riêng số lượng đơn khiếu nại, tố cáo về đất đai gửi đến Bộ TN&MT chiếm đến 98% số lượng đơn thư nhận được hằng năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN