Theo người dân xung quanh khu vực này, tuy đã nhiều lần phản ánh đến doanh nghiệp, chính quyền địa phương nhưng tình trạng nước suối ô nhiễm không được cải thiện mà ngày càng trầm trọng thêm.
Ông Nguyễn Văn Sủn, một người dân sống tại ấp Hội Tân, xã Tân Hội gần 25 năm nay (phía sau Nhà máy mì Phước Dân) cho biết, nhà máy được thành lập khoảng 10 năm trở lại đây, lúc trước hoạt động nhỏ lẻ nên không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân ở đây.
Tuy nhiên cách đây khoảng 3 năm, nhà máy nâng công suất lớn hơn nhiều lần. Đó cũng là lúc cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn, mạch nước giếng bắt đầu hỏng dần, tiếng ồn vang lên suốt ngày đêm. Vài năm gần đây, gia đình ông đã khoan lại nhiều giếng nước nhưng vẫn không thể sử dụng được vì bị ô nhiễm nặng.
Nguồn nước được bơm lên từ giếng có mùi hôi khó chịu. Gia đình ông Sủn phải mua nước bình về sử dụng cho việc ăn uống, còn nước giếng khoan chỉ để tắm, giặt và tưới cây. Ông Sủn chia sẻ, ông rất lo cho sức khỏe của mình và những người thân trong gia đình. Hiện, ông đang có ý định bán lại mảnh vườn cây ăn quả khoảng một ha để chuyển đi nơi khác sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổ phó Tổ tự quản số 7, ấp Hội Tân, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, cho biết thời gian gần đây có khoảng 10 hộ dân sống xung quanh Nhà máy mì Phước Dân đã bán nhà chuyển đi nơi khác vì không chịu nổi tiếng ồn và ô nhiễm nguồn nước của nhà máy gây ra. Trong đó, nhiều gia đình đã bán "tháo" đất với giá rất thấp.
Thâm nhập thực tế vào khuôn viên của Nhà máy mì Phước Dân, chúng tôi mới thấu hiểu hết được lý do vì sao người dân ở đây quyết liệt phản ứng hoạt động của nhà máy này. Miệng cống nước xả thải đặt phía sau nhà máy cuồn cuộn đổ nước thải có màu trắng đục trực tiếp xuống suối Nước Đục với nhiều bọt khí trắng xóa quanh khu vực miệng cống xả thải. Phía trong hàng rào, một khoảng sân rộng đổ đầy những đống chất thải lộ thiên không có mái che có màu đen sẫm, mùi hôi khó chịu.
Trao đổi về những phản ánh của người dân về hoạt động của Nhà máy Phước Dân, ông Nguyễn Đình Xuân, Bí thư Huyện ủy Tân Châu cho biết: theo quy định, tất cả các nhà máy chế biến tinh bột sắn hay chế biến cao su trên địa bàn tỉnh đều phải đạt chuẩn loại A.
Nhà máy Phước Dân không ngoại lệ. Bí thư Huyện ủy Tân Châu yêu cầu lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Châu, phối hợp với các ngành có liên quan trực tiếp đến Nhà máy Phước Dân lấy mẫu nước thải tại miệng cống xả thải trực tiếp xuống suối Nước Đục để phân tích, xử lý theo thẩm quyền nếu doanh nghiệp vi phạm.
Trước đó, vào đầu tháng 4/2017, nhiều hộ dân sống gần đập Tha La (khu phố 4, thị Trấn Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã rất bức xúc khi nguồn nước ở đập Tha La có mùi hôi rất khó chịu (như mùi nước thải từ nhà máy chế biến tinh bột sắn) làm một số cá nuôi bè chết hàng loạt.