Trong bài phân tích nói trên, các chuyên gia nêu một câu hỏi: "Liệu đêm đen có nguy cơ biến mất trên Trái Đất của chúng ta?", bắt nguồn từ việc vào ban đêm, nhìn lên bầu trời, ngày càng khó phân biệt các mảng trắng sữa của Dải ngân hà và hàng tỷ ngôi sao.
"Thủ phạm" gây tình trạng này là nguồn sáng nhân tạo như các ngọn đèn đường, các bảng quảng cáo rực rỡ của những cửa hàng, những cột đèn chiếu sáng sân vận động... Theo các chuyên gia, những nguồn sáng nhân tạo này hợp thành một vòm màu da cam, làm cho bầu trời đêm bớt đen, khiến những ngôi sao biến mất.
Thực tế, các nhà thiên văn đã từng đưa ra cảnh báo hiện tượng cách đây hơn hai chục năm, nhưng chủ đề này vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm cho đến ngày nay khi nó đã vượt ra ngoài khuôn khổ cộng đồng thiên văn học.
Theo các chuyên gia, ánh sáng nhân tạo tác động tiêu cực đến tất cả sinh vật, làm thay đổi quy luật sinh sản của nhiều loài, khiến đa dạng sinh học bị đe dọa. Khi ánh sáng nhân tạo "bủa vây" màn đêm, đom đóm đực không còn nhìn ra được chấm sáng yếu ớt của đom đóm cái; nhện tranh thủ giăng lưới nơi sáng để bẫy các loại côn trùng; loài chim biển Barau ở đảo Réunion, những chú chim non lần đầu tập bay nhầm lẫn ánh sáng vùng duyên hải với ánh trăng, chúng rơi xuống, bị thương và không thể cất cánh, phải chết đói hoặc làm mồi cho những loài khác; cây cối sử dụng ánh sáng tự nhiên cho quá trình quang hợp cũng bị chênh so với mùa tự nhiên.
Trên thế giới, Đông Nam Á là khu vực bị ô nhiễm ánh sáng nhiều nhất, còn tại Pháp, đến 90% lãnh thổ bị ảnh hưởng. Kể từ ngày 1/7/2018, Pháp bắt đầu thực thi luật buộc 3 triệu cơ sở thương mại phải tắt hết đèn từ 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng dù văn bản pháp luật này được ban hành từ năm 2012.
Hiện, Hiệp hội các thị trưởng Pháp phối hợp với các cơ quan môi trường tổ chức ra Ngày của Đêm, để gióng lên hồi chuông cảnh báo người dân về nguy cơ ô nhiễm ánh sáng.