Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sĩ Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về những thay đổi để có những bản tin dự báo, cảnh báo nhanh, sát thực tế trước các hình thái thời tiết cực đoan cũng như những chương trình, kế hoạch góp phần thực hiện chủ đề “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai”. Sau đây là nội dung phỏng vấn.
Trong năm qua ngành Khí tượng Thủy văn đã có những thay đổi như thế nào để có những dự báo, cảnh báo nhanh, sát thực tế trước các hình thái thời tiết cực đoan trong bối cảnh của biến đổi khí hậu thưa ông?
Ngành Khí tượng Thủy văn đã mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày, nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Các sản phẩm dự báo mùa cũng được mở rộng hạn dự báo, hàng năm đã có bản tin nhận định thiên tai năm (ban hành 2 lần/ năm).
Đối với bão, áp thấp nhiệt đới giai đoạn đầu năm 2000 vẫn chỉ dự báo trong 24 giờ, nhưng đến hiện tại, đã nâng dự báo bão, áp thấp nhiệt đới lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày; dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày, cảnh báo dông sét trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Các đợt rét đậm, rét hại thì cảnh báo trước 5-7 ngày, dự báo trước 2-3 ngày.
Đối với dự báo thời tiết biển đã có những đổi mới vượt bậc do tiếp thu các công nghệ mới của nước ngoài. Độ phân giải cho mô hình dự báo sóng đã được chi tiết đến 4 km và dự báo sóng với hạn dự báo đến 10 ngày.
Không chỉ tăng hạn dự báo, thời điểm phát tin cũng sớm hơn. Thời điểm ban hành các bản tin bão hiện nay cũng sớm hơn trước đây từ 30 phút đến 1 giờ. Các bản tin thiên tai khác như nắng nóng, không khí lạnh, mưa lớn đều được ban hành sớm hơn 30 phút so với trước đây.
Với sự thay đổi về cảnh báo, dự báo trên, hiệu quả đem lại cho cộng đồng và xã hội cụ thể như thế nào, thưa ông?
Dự báo bất kỳ vấn đề gì cũng đều có những khó khăn, thách thức riêng. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, ngành Khí tượng Thủy văn có nhiều công cụ hỗ trợ như các ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và những mô hình dự báo thời tiết từ hạn cực ngắn đến dự báo từng ngày và cả những mô hình dự báo khí hậu nên dự báo, cảnh báo khí tượng ngày càng sát với thực tế, hiệu quả đối với đất nước. Trung bình hằng năm, các đơn vị thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo quốc gia ở Trung ương và ở địa phương đã cung cấp trên 58.600 bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các cơ quan ở Trung ương, địa phương, phục vụ đắc lực cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Đóng góp của ngành thể hiện rõ trên một số lĩnh vực như: Đối với sự phát triển bền vững, thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn có vai trò, ảnh hưởng tới 11/17 mục tiêu phát triển bền vững; thông tin của Ngành đã và đang là cơ sở dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, nhất là đối với công tác phòng chống thiên tai. Thông tin khí tượng thủy văn giữ vai trò tối quan trọng ở cả 3 giai đoạn hoạt động là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trong mọi thời kỳ, các thông tin khí tượng thủy văn luôn được coi là một trong các yếu tố “thiên thời”, mang tính chất quyết định góp phần vào các thắng lợi quân sự quan trọng từ lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm dự báo không chỉ dừng lại ở những con số nhiệt độ, lượng mưa trung bình mà còn có thể cung cấp số giờ nắng, độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa chi tiết theo từng thời kỳ mùa vụ. Xa hơn là các dự báo, cảnh báo về sâu bệnh, dự báo năng suất cây trồng theo các điều kiện thời tiết. Đặc biệt đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2020 khốc liệt hơn năm 2016, nhưng đã được theo dõi, dự báo chính xác và sớm nhất giúp Chính phủ và các địa phương điều chỉnh và chỉ đạo sản xuất kịp thời, giảm thiệt hại chỉ còn 10% so với đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2016. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, năm 2021, công tác dự báo tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thấp nhất từ trước tới nay, thiệt hại về người giảm 54%, thiệt hại về kinh tế 78% so với trung bình 10 năm qua.
Đối với lĩnh vực thủy điện, ngành Khí tượng Thủy văn đang thực hiện các bản tin dự báo phục vụ Quy trình vận hành hồ chứa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có thể thực hiện tốt các bản tin dự báo nguồn nước đến các hồ phục vụ điều hành sản xuất điện.
Tuy nhiên, các ảnh mây, ảnh radar và mô hình dự báo dù hiện đại đến đâu cũng vẫn có những hạn chế nhất định, càng dự báo xa (cả với dự báo thời tiết và khí hậu) sai số dự báo càng lớn. Thêm vào đó, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu về mức độ chi tiết cũng như tính chính xác của các bản tin dự báo ngày càng cao hơn nên đây cũng là yếu tố khó khăn, thách thức mà ngành Khí tượng Thủy văn đang phải đối diện.
Để ngành Khí tượng Thủy văn đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy ngành Khí tượng Thủy văn đã triển khai thực hiện Chỉ thị như thế nào, thưa ông?
Ngay sau Chỉ thị số 10 được Ban Bí thư ban hành, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phổ biến Chỉ thị tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục để nghiên cứu, quán triệt. Trong dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống Ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam” nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành và giới thiệu về nội dung chính của Chỉ thị 10 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với sự tham gia của 63 Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó Tổng cục đã phối hợp tổ chức thành công cuộc thi “Khí tượng Thủy văn trong em” nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết cơ bản về thời tiết, khí hậu, thiên tai cho học sinh, thanh thiếu niên là những chủ nhân tương lai của đất nước. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã làm việc với đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai tuyên truyền Chỉ thị 10-CT/TW. Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 42-HD/BTGTWW ngày 24/02/2022 về hướng dẫn tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư nhằm tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện tốt công tác khí tượng thủy văn, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phục vụ đời sống dân sinh, hướng dẫn các tổ chức cơ sở Đảng thực hiện. Hiện nay có nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TW của Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 21/4/2022 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Hiện, Tổng cục đang tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch cụ thể thực hiện Quyết định số 497/QĐ-TTg nhằm huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện kế hoạch.
Thưa ông, để xây dựng “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai” trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng dị thường, cực đoan, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có những chương trình, kế hoạch gì ?
Hiện nay, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các dự báo không còn dừng ở thông tin ngày mai thời tiết thế nào mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động - thông báo cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra, điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.
Ngành Khí tượng Thủy văn đang cố gắng xây dựng các giải pháp để tăng cường dự báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, dự báo các rủi ro, tác động của thiên tai đến từng đối tượng chịu tổn thương; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu.
Ngành đã và đang phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo, đồng thời tích cực phối hợp với các trường, viện nghiên cứu để tăng cường xây dựng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác khí tượng thủy văn.
Song song với đầu tư hiện đại hóa hệ thống quan trắc là nâng cao chất lượng dự báo bằng công nghệ hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển ngành Khí tượng Thủy văn của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai.
Thông tin cảnh báo khí tượng thủy văn phải thực sự được dùng hiệu quả cho các hành động sớm, đúng lúc nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng xảy ra khắc nghiệt, Ngành sẽ tăng cương hơn nữa nữa sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan Quản lý thiên tai, chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông, báo chí để phòng ngừa, sẵn sàng chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!