Dự báo đợt triều cường từ ngày 26-31/10/2022 ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và các năm triều cao đã xuất hiện (2011, 2018, 2019, 2020). Cụ thể, đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề dự báo đạt 2,25 m - 2,35 m (xấp xỉ và cao hơn kỳ đầu tháng 10/2022), tại Cần Thơ đạt 2,1 - 2,2 m, tại Mỹ Thuận đạt 2,05 - 2,15 m (thấp hơn kỳ triều cường đầu tháng 10, do lũ đầu nguồn đang rút), tại Xẻo Rô đạt 1,04 m (cao hơn mức báo động 3 từ 1 - 5 cm và cao hơn khá nhiều so với kỳ triều cường đầu tháng).
Triều cường có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở các vùng trũng, thấp có đê bao, bờ bao thấp, yếu ở ven sông Tiền, sông Hậu và ven biển Tây tại các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Để đề phòng thiệt hại do triều cường gây ra, đặc biệt các diện tích cây trồng lâu năm, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long rà soát hệ thống đê bao, bờ bao ở các khu vực dự báo ảnh hưởng nặng vùng ven sông; khẩn trương tổ chức gia cố các đoạn đê bao, bờ bao có nguy cơ xảy ra sự cố hoặc đã có biểu hiện mất an toàn trong các đợt triều cường trước.
Các địa phương có phương án ứng phó ngập lụt, úng trường hợp xuất hiện mưa lớn trong kỳ triều cường, đặc biệt các tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh của triều biển Tây (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang) do đây là đợt triều cường khá cao từ phía biển Tây.
Các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp ứng phó tại văn bản số 1227/TCTL-QLCT ngày 9/8/2022 của Tổng cục Thủy lợi về việc đề phòng ảnh hưởng của lũ nội đồng đến sản xuất nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.