Được xem là bước đột phá của ngành nông nghiệp, là nơi áp dụng tất cả tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhất nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí và tăng thu nhập, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đem lại niềm vui lớn cho những người tham gia. Sự thành công của mô hình được xem là lời giải cho bài toán liên kết làm ăn lớn, nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo và thu nhập cho người nông dân ở khu vực trọng điểm về xuất khẩu lúa, gạo của cả nước.
Bài 1: Đất chín rồng với cách làm ăn mới
ĐBSCL những ngày tháng 9 bên cạnh màu xanh ngút ngàn của những cánh đồng lúa tít tắp vừa xuống giống vụ 3 là màu nước đục ngầu phù sa từ thượng nguồn đổ về. Cùng niềm vui với con lũ năm nay, những ngày này người nông dân một nắng hai sương nơi đây lại đang “vui như Tết” với một hướng sản xuất mới được kỳ vọng sẽ cải thiện được chất lượng cuộc sống.
Từ điểm sáng đầu tiên
Vốn có thế mạnh về sản xuất lúa với sản lượng hàng năm hơn 3,6 triệu tấn, xuất khẩu từ 500.000 - 600.000 tấn gạo, từ lâu tỉnh An Giang luôn nung nấu ước mơ làm sao kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng bức thiết do cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế. Ngay từ năm 2000, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra chủ trương “liên kết 4 nhà”, từng bước hình thành những mô hình liên kết sản xuất lúa ổn định, bền vững. “Do là mô hình mới và là địa phương làm đầu tiên nên chúng tôi rất thận trọng, làm tới đâu theo dõi, kiểm tra đôn đốc tới đó. Nhờ chủ trương đúng, cộng với sự nhiệt tình hưởng ứng của ngành chức năng, doanh nghiệp và chính người thụ hưởng là nhà nông nên đến nay có thể khẳng định chúng tôi đã thành công”, ông Đỗ Vũ Hùng – PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết.
Anh Tô Phước Thủ - PGĐ phụ trách vùng nguyên liệu thuộc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, cho hay: “Xuất phát từ chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, chúng tôi đã tiến lên một bước cao hơn khi liên kết hàng trăm hộ nông dân trồng lúa, hình thành một cánh đồng rộng lớn theo nguyên tắc: Cùng xuống giống một ngày, chăm sóc theo cùng một quy trình “sạch”… Nông dân tham gia sẽ được công ty đầu tư ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… không tính lãi và cử cán bộ kỹ thuật xuống trực tiếp cùng bám đồng ruộng với nông dân. Khi thu hoạch, nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, lưu kho và được công ty thu mua với giá bằng hoặc cao hơn ngoài thị trường”. Hiện doanh nghiệp đã xây dựng các CĐML diện tích tập trung hơn 1.100 ha và theo kế hoạch 2 năm nữa con số đó sẽ tăng lên khoảng 10 lần.
Bà con huyện Châu Thành (An Giang) thu hoạch lúa hè thu muộn. |
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp An Giang, vụ hè thu vừa qua, toàn tỉnh đã thu hoạch gần 4.000 ha lúa theo mô hình CĐML, thu hút hơn 3.260 hộ tham gia, tập trung ở các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới… Nhờ được tư vấn kỹ thuật trồng lúa, thu hoạch, phơi phóng, đặc biệt là ghi chép quy trình sản xuất và chi phí vào sổ theo tiêu chuẩn VietGap, lần đầu tiên nhiều nhà nông đã tự thân tính toán được giá thành mỗi vụ. Tất cả chi phí đầu vào từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu… nông dân đều được mua với giá gốc, được mượn kho trữ gạo một tháng mà không trả phí và thanh toán không tính lãi sau khi bán lúa.
Ông Hùng cho biết, hiện tỉnh đang thực hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp được đánh giá cao như: Mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật của Công ty liên doanh Agimex-Kitoku, mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu của Công ty XNK Agimex, mô hình của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang... “Làm ruộng bây giờ sướng lắm à. Mọi việc đã có công ty lo hết và tụi tôi chỉ có mỗi nhiệm vụ thỉnh thoảng chạy xe ra thăm đồng thôi. Ngoài năng suất bình quân tăng khoảng 1 tấn/ha, chi phí đầu tư cũng giảm từ 1-2 triệu đồng/ha góp phần tăng thêm lợi nhuận 2 – 4 triệu đồng/ha. Điều tụi tôi vui nhất là cất được nỗi lo của những năm trước là làm sao kiếm được tiền để tái sản xuất vì nhiều lý do như lúa không bán được, mua vật tư thiếu lãi cao…”, anh Nguyễn Văn Tải ở ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), cười tít mắt.
Các tỉnh nhập cuộc
Ông Nguyễn Thành Hưởng – GĐ Trung tâm khuyến nông tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Xuất phát từ đề án “Xây dựng cánh đồng lúa theo hướng hiện đại” tỉnh đang tích cực triển khai phát triển mô hình CĐML. Theo đó, tỉnh chủ động chọn địa điểm triển khai là các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác có hệ thống đê bao tương đối hoàn chỉnh, thuận lợi cho việc tưới tiêu. Qui mô mỗi cánh đồng từ 100 – 200 ha được ứng dụng đồng bộ những giải pháp kỹ thuật vào trong sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân… và thực hiện bằng cơ giới hóa. Hiện toàn tỉnh đã hình thành các CĐML gần 1.000 ha tập trung ở các huyện Tam Nông, Tháp Mười, Tân Hồng… Tổng kết vụ hè thu vừa qua, các CĐML đã tiết kiệm được lượng giống gieo sạ khoảng 30 kg/ha, phân bón giảm khoảng 30 kg urê/ha… đã tạo được sự chênh lệch lợi nhuận so với các cánh đồng bình thường từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha”.
Trong khi đó, vụ hè thu năm nay là vụ đầu tiên tỉnh Long An thực hiện mô hình CĐML có 6.400 hộ nông dân tham gia với 7.803 ha. Tại các huyện Mộc Hóa, Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh… nhiều CĐML đã cho kết quả khả quan khi cho năng suất đạt 6,5 - 7 tấn/ha, giá bán cao hơn 150 - 200 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn bên ngoài mô hình từ 2 - 3 triệu đồng/ha. Còn tại tỉnh Trà Vinh, tỉnh đang triển khai thực hiện mô hình CĐML trên diện tích 375 ha tại huyện Tiểu Cần, trong đó Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang sẽ đầu tư 30 tấn lúa giống chất lượng cao và thuốc bảo vệ thực vật, Công ty phân bón Bình Điền cung ứng toàn bộ phân bón, Công ty Lương thực Trà Vinh sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa của CĐML sản xuất ra với giá hợp lý, bảo đảm nông dân có lãi cao hơn bình thường.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, kết thúc vụ hè thu năm nay, có 12/13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL tham gia CĐML. Từ sự kế thừa của nhiều mô hình trước đây, mô hình CĐML ra đời đúng vào thời điểm sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo đòi hỏi phải được tổ chức và sắp xếp lại phù hợp với thực trạng, nhu cầu, phương thức tổ chức mới, vừa đáp ứng được xuất khẩu và gia tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Nhận định của ngành nông nghiệp, mô hình CĐML đang nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội, đặc biệt là người nông dân và sẽ là hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Bài 2: Cấp thiết nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”