Hiện nay ở một số nơi trồng, sơ chế chè ở tỉnh Yên Bái, trong một công đoạn chế biến, người dân thường sử dụng cháo (được nấu từ bột sắn hoặc bột ngô) trộn với chè để khi vò, búp chè sẽ xoăn hơn, ít bồm (chè vụn) hơn và đặc biệt là trọng lượng của chè tăng cao hơn. Đây là loại chè kém chất lượng hay còn được gọi là chè vàng (người làm chè quen gọi là chè tầm), được bán ra với giá chừng 15.000-16.000 đồng/kg cho các tư thương hoặc một số doanh nghiệp làm ăn "chộp giật". Không ít người chua chát gọi loại chè này là... "chè cháo".
Để tăng lợi nhuận, người ta sử dụng bột sắn khô nấu thành cháo trộn vào chè khi vò. |
Yên Bái là một trong 5 tỉnh có diện tích chè lớn nhất nước. Hiện nay toàn tỉnh có gần 13.000 ha chè, trong đó có 2.585 ha chè Shan, chè lai LDP 1.555 ha, chè nhập nội 1.633 ha, chè trung du 6.000 ha… Sản lượng chè búp tươi hàng năm từ 80.000 - 85.000 tấn, mỗi năm chế biến chừng 20.000 tấn chè khô gồm chè đen, chè xanh các loại. Tuy số lượng chè nhiều nhưng chất lượng chè lại thấp nên giá chè xuất khẩu trung bình của Yên Bái chỉ đạt chừng 1-1,2 USD/kg, vì thế doanh thu từ cây chè của Yên Bái không xứng với tiềm năng.
Nguyên nhân chất lượng sản phẩm chè Yên Bái thấp là nguyên liệu đầu vào. Trước năm 2000, do chưa mở các nhà máy chế biến mini và phát triển các bom chè quay tay thì không có tình trạng tranh mua tranh bán nguyên liệu giữa các nhà máy chế biến, sau năm 2000, các nhà máy chế biến chè xây dựng ồ ạt, phá vỡ qui hoạch, không cân đối giữa vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến.
“Tham bát, bỏ mâm”
Hiện Yên Bái có 93 nhà máy chế biến, công suất từ 5 - 50 tấn, tổng công suất 965 tấn/ngày, chưa kể hàng ngàn bom chè quay tay. Trong khi khả năng cung ứng nguyên liệu chỉ đạt 350 tấn/ngày, bằng 1/3 so với công suất. Từ đó xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu, chè được phun đủ các loại thuốc kích thích và cắt hái vô tội vạ, dư lượng hóa chất cao khiến chất lượng sản phẩm chè Yên Bái thấp, giá khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do chất lượng chè thấp, giá rẻ, nên doanh thu hàng năm từ chè không như mong muốn, vì vậy đời sống của hơn 40.000 hộ làm chè vẫn gặp nhiều khó khăn. Có lẽ chính vì thế mà khi vài năm trở lại đây việc thu mua chè vàng (chè tầm) xuất hiện một cách ồ ạt khiến xảy ra tình trạng đáng buồn "chè cháo"... Hàng ngàn bom chè quay tay trong dân làm việc không mệt mỏi để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chủ một bom chè quay tay ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: "Hai vợ chồng nhà em mỗi ngày chế biến chừng 7 tạ đến 1 tấn chè búp tươi, thu nhập ước đạt từ 700.000 - 1.000.000 đồng". Để có được nguồn thu này, trong quá trình vò chè, chủ hộ đã dùng bột sắn khô nấu thành cháo rồi đưa vào để vò chè. Chính vì thế mà cứ 10 kg chè búp tươi (loại dùng liềm cắt dài chừng 20 - 25 cm) sau khi chế biến sẽ thu về trên 3 - 3,3 kg chè búp khô, trong khi đó bình thường 10 kg chè búp tươi cùng loại chỉ chế biến được chừng hơn 2 kg chè khô và một lượng nhỏ chè bồm.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, mới đây Hiệp hội Chè Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái đã cùng những doanh nghiệp chè lớn bàn cách tổ chức lại sản xuất: Xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn, đổi mới công nghệ chế biến, thông tin thị trường… Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm, thủy sản Yên Bái ra đời cũng không ngoài mục đích góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm thủy sản nói chung và chất lượng chè nói riêng. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng chè ở Yên Bái hiện ỳ ạch trong quá trình chuyển đổi công nghệ chế biến chè và cải tạo vùng nguyên liệu. Và điều đáng nói hơn là nếu không loại bỏ được tình trạng làm ăn theo lối "chộp giật" tranh mua, tranh bán nguyên liệu, đặc biệt là nạn "chè cháo" thì mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm chè Yên Bái còn bị đe dọa.
Đức Tưởng