TP Hồ Chí Minh đang bước vào mùa khô, nhiều ngày liên tiếp nắng gay gắt, nhiệt độ tăng cao. Đây được xem là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn, đặc biệt tại những khu vực tập trung đông đúc người dân như các khu dân cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ…
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng cháy tại chợ Soái Kình Lâm, quận 5, TP Hồ Chí Minh. |
Nguy cơ cao
Ngay trong những ngày đầu tháng 3 trên địa bàn TP đã xảy ra hàng loạt vụ cháy nhà dân, chỉ trong 2 ngày 3 - 4/3, hai nhà dân ở quận Tân Bình, Gò Vấp đã bị “bà hỏa” thiêu rụi hoàn toàn. Rất may các vụ cháy không có thiệt hại về người nhưng nhà cửa, đồ đạc trong nhà đã bị thiêu rụi. Ngày 6/3 “bà hỏa” cũng đã thiêu cháy kho chứa hàng thành phẩm của công ty sản xuất giầy Việt Nam Samho ở huyện Củ Chi… Vụ cháy đã gây hư hỏng hoàn toàn các thiết bị của công ty.
Ngoài nỗi lo cháy nhà dân, nhà xưởng… hiện TP còn phải đối mặt với nỗi lo cháy rừng tái sinh tại các quận, huyện vùng ven. Gần đây, vào ngày 10/3, khoảng 7 ha rừng tràm tái sinh, lau sậy… tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP đã bốc hỏa trong đêm, khiến hàng chục hộ dân sống xung quanh phải cuống cuồng di tản tài sản. Nguyên nhân của vụ cháy rừng trên được cho là do người dân đốt cỏ tranh để lấy rễ hoặc đốt ong lấy mật.
Theo báo cáo của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong những tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 74 vụ cháy, làm chết 2 người, bị thương 5 người. Trong đó, khu vực để xảy ra nhiều sự cố nhất là hộ dân và nguyên nhân chủ yếu là do bất cẩn vi phạm quy định trong sử dụng điện.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nguyên nhân gây cháy thời gian qua chủ yếu xuất phát từ các lỗi chạm, chập điện và bất cẩn của người dân. Cả hai nguyên nhân này đều nằm trong yếu tố chủ quan của con người. Các khu vực nhà dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm thương mại, chợ búa, các kho chứa hàng hóa… là những nơi có nguy cơ cháy nổ cao vì khu vực này thường xuyên phải sử dụng nguồn nhiệt, lửa, điện”.
Nâng cao ý thức cảnh giác
Vừa qua, Sở Cảnh sát PCCC TP đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra, xử phạt và nhắc nhở các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn TP như nhà hàng, quán karaoke, cơ sở kinh doanh - sang chiết hóa chất, cửa hàng xăng dầu, chợ, siêu thị… Đến nay, việc kiểm tra đã hoàn tất. Sở cũng phối hợp với Điện lực TP và chính quyền địa phương khảo sát, cải tạo, thay mới nhiều hệ thống điện cũ kỹ ở các khu dân cư lụp xụp ở quận 8 và nhiều quận huyện khác.
Tuy nhiên, Đại tá Bửu vẫn cảnh báo: Trong những ngày nắng nóng nhiệt độ tăng cao, người dân phải hết sức cảnh giác, cẩn thận trong đun nấu, sử dụng các thiết bị có nguồn lửa, nguồn nhiệt, tránh bất cẩn làm lửa bén ra ngoài. Các cơ sở, địa điểm kinh doanh không được tự ý câu mắc điện tràn lan, vì vừa không an toàn cho người thao tác, vừa gây chập điện, gây cháy. Đối với lực lượng chữa cháy tại chỗ (dân phòng, bảo vệ dân phố, đội bảo vệ…) phải làm tốt nhiệm vụ chốt trực theo dõi, để xử lý kịp thời đám cháy khi mới phát sinh, tránh cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng…
Đối với những khu vực nhà chung cư, nhà cao tầng, các hộ dân cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện; sử dụng gas cần để ý tới hiện tượng rò rỉ khí gas… Đối với lực lượng làm công tác quản lý tại các chợ, trung tâm thương mại cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, khu vực thờ cúng, tình trạng hút thuốc lá… Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra vào ban đêm và gần sáng.
“Ngoài ra, để hạn chế thiệt hại, từ nay đến cuối năm 2015, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cũng sẽ chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát tổ chức kiểm tra việc PCCC ở khu dân cư, các cơ sở để có phương án PCCC phù hợp, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa cháy nổ”, ông Bửu cho biết thêm.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết