Cùng với sự phát triển của các khu đô thị, khu dân cư, các khu công nghiệp bám dọc đường sắt (ĐS) là sự “phát triển” của các đường dân sinh qua ĐS, các đường ngang trái phép, đây là những điểm đen nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS) cao khiến tình hình tai nạn đường ngang (ĐN) thêm diễn biến phức tạp.
Sự tích cực vào cuộc của các địa phương
Ngay từ năm 2007, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định cấp kinh phí hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/điểm cho UBND quận Liên Chiểu để tổ chức cảnh giới đảm bảo ATGT 2 đường dân sinh tại km 784+425 và km 778+760 với thời gian thực hiện là 1 năm. Tháng 9/2009, hỗ trợ hàng năm 1 triệu đồng/tháng/ĐN cho điểm cảnh giới mới tại km 799+210.
Tháng 6/2011, Đà Nẵng tiếp tục giao quận Cẩm Lệ tổ chức cảnh giới thêm điểm km 798+228; giao quận Liên Chiểu tổ chức cảnh giới thêm điểm km 779+500. Lực lượng cảnh giới được bố trí 2 người/điểm và kinh phí hỗ trợ mỗi tháng nâng lên 1,5 triệu đồng/người.
Sắp tới, điểm giao cắt đường sắt với đường ngang thuộc huyện Duy Tiên (Hà Nam) sẽ được lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, chứ không chỉ có tấm biển báo đơn giản thế này. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN |
Khu vực TP Hà Nội có 140 km đi qua, gồm nhiều đoạn đầu mối đi 5 tuyến và đường vành đai Hà Nội, qua các khu dân cư đông đúc nên tỷ lệ ĐN, đường dân sinh cao. Chỉ tính riêng 14 km ĐS trên tuyến ĐS Thống Nhất từ Hà Nội đến xã Nhị Khê, huyện Thanh Trì, mật độ ĐN dày đặc lên tới 224 điểm; trong đó, chỉ có 55 ĐN hợp pháp, còn lại 169 ĐN trái phép – nơi tỷ lệ tai nạn ĐS cao.
Trước tình hình trên, đầu tháng 4/2011, TP Hà Nội quyết định lập 11 trạm cảnh giới đường dân sinh và từ cuối tháng 4/2011 toàn bộ 11 điểm cảnh giới này đã đi vào hoạt động thường xuyên, góp phần xóa bỏ các “điểm đen” về ATGTĐS tại đường dân sinh.
ĐS đi qua tỉnh Bắc Ninh (trên tuyến ĐS Hà Nội - Đồng Đăng) có chiều dài 20,096 km (từ km 13+615 đến km 33+771) với 18 ĐN hợp pháp, còn lại là 32 đường dân sinh. Tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý để Sở GTCC tổ chức cảnh giới 7 điểm, mỗi điểm được bố trí 2 nhân viên, trả lương với mức 4,2 triệu đồng/người/tháng. Tỉnh còn đầu tư xây dựng 7 chòi gác, dự kiến 80 triệu đồng/chòi (bằng 560 triệu đồng), đưa tổng số kinh phí của tỉnh đầu tư cảnh giới 7 điểm đường dân sinh lên hơn 1,416 tỷ đồng.
Đường dân sinh giao cắt với đường sắt không có rào chắn luôn tiềm ẩn nỗi lo mất ATGT đường sắt. |
Theo số liệu từ ĐSVN, từ khi các điểm cảnh giới ĐN đi vào hoạt động, tình hình về ATGTĐS tại các địa phương trên đã có chuyển biến tích cực, thiết thực góp phần đảm bảo ATGTĐS. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2012 vừa qua, tình hình tai nạn ĐN tại các khu vực TP Đà Nẵng, TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh đã giảm được 1 vụ tai nạn, giảm 9 người chết, giảm 1 người bị thương so với cùng kỳ 2011.
Hỗ trợ từ đường sắt
Trân trọng trách nhiệm và sự chia sẻ thiết thực của các địa phương trong việc tham gia cảnh giới các đường dân sinh, về mặt quản lý nhà nước, Cục ĐSVN đã có kế hoạch xây dựng để trình Bộ GTVT ban hành quy định tạm thời về tổ chức cảnh giới đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa ĐS - đường bộ thuộc nguồn kinh phí hỗ trợ của các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị ĐS liên quan tổ chức học tập và duy trì việc kiểm tra, sát hạch nghiệp vụ gác chắn ĐN cho các nhân viên này theo tiêu chuẩn ngành và bao gồm cả tác nghiệp phối hợp với các chức danh ĐS liên quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ cảnh giới đảm bảo an toàn ĐN.
Các sở GTCC cũng cần tăng cường đầu tư sửa chữa nâng cấp chất lượng mặt đường bộ tại tất cả các điểm ĐN trực chốt, trong đó cần làm các gờ giảm tốc và vạch dừng trên đường bộ tham gia vào ĐN. ĐSVN đã chỉ đạo các công ty QLĐS sở tại tập huấn nghiệp vụ cảnh giới ĐN, trang bị cờ, còi, bút, giấy, lịch chạy tàu cho người địa phương làm nhiệm vụ cảnh giới và chọn vị trí đặt các trạm gác phù hợp; yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với nhân viên các điểm cảnh giới này trong việc cung cấp kế hoạch chạy tàu, giờ tàu qua đường dân sinh để nhân viên các trạm cảnh giới kịp thời đóng cần chắn; sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống điện thoại từ phòng trực ban chạy tàu ga liên quan đến các trạm cảnh giới để thực hiện quy định hiện hành về “báo chắn” đối với các chắn ĐN hợp pháp…
Như vậy, ý nghĩa xã hội cũng như hiệu quả thiết thực của việc tham gia cảnh giới, đảm bảo an toàn đường dân sinh của các địa phương đã rõ ràng và được dư luận xã hội hoan nghênh.
Tuy nhiên, việc cảnh giới các ĐN trái phép chỉ là biện pháp cấp bách, tạm thời, không thể kéo dài vì xây dựng được nhiều đường gom để đóng lại nhiều ĐN trái phép mới là biện pháp đảm bảo an toàn triệt để và bền vững.
Trong khi chờ đóng được các ĐN trái phép, vẫn cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương khác nữa với việc tham gia cảnh giới đảm bảo an toàn đường dân sinh, góp phần giảm thiểu tai nạn ĐN, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Câu chuyện đảm bảo an toàn ĐN nói chung, an toàn đường dân sinh nói
riêng luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành ĐS với việc triển khai
thực hiện nhiều biện pháp. Tuy nhiên, khi mà thực tế phát sinh các đường
dân sinh này thuộc trách nhiệm qui hoạch, quản lý của địa phương nhưng
địa phương vẫn ngoài cuộc thì sự tích cực của cơ quan quản lý nhà nước,
của doanh nghiệp, hiệu quả dường như vẫn như “muối bỏ bể”.
Chính vì vậy, Cục ĐSVN đã làm việc với các địa phương để các địa
phương vào cuộc với ngành ĐS thông qua hoạt động của Ủy ban ATGT cấp
tỉnh, thống nhất để Sở GTCC, các quận, phường... bố trí lực lượng cảnh
giới một số đường dân sinh nguy cơ mất an toàn cao.
P.V