Chúng tôi có mặt tại khu neo đậu tàu thuyền khu vực cửa Roòn thuộc địa bàn huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) vào những ngày cuối năm. Không khí thật náo nhiệt với hàng trăm phương tiện tàu, thuyền của bà con các xã ven biển vào trú đậu để bổ sung nhiên liệu trước mỗi chuyến ra khơi. Chợ cá và xưởng đóng tàu nằm ngay phía trên với những âm thanh ồn ào, các phương tiện chạy ầm ầm tất bật cả một vùng cửa biển.
Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch cho biết, toàn xã có trên 600 phương tiện tàu, thuyền; với 2.100 lao động trên biển. Trong số này có hơn 200 chiếc tham gia đánh bắt xa bờ. Ngư trường chủ yếu các tàu thuyền này hoạt động là vùng biển Thanh Hóa và một số ở khu vực Trường Sa.
Những năm trước đây, sản lượng đánh bắt thủy, hải sản của xã Cảnh Dương rất cao, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, sản lượng đánh bắt bị sụt giảm đáng kể. Theo số liệu thống kê đến cuối tháng 10/2019, sản lượng chỉ đạt khoảng 70% vo với năm 2018. Nguyên nhân là do nguồn thủy hải sản khan hiếm, lao động trên biển sụt giảm, thiếu người làm cho nên một số tàu, thuyền phải nằm bờ, không tham gia khai thác được.
Hiện xã Cảnh Dương có khoảng trên 150 chiếc phải nằm bờ. “Trên tinh thần cảnh báo của Ủy ban châu Âu về việc đánh bắt thủy sản bất hợp pháp ở Việt Nam, chúng tôi đã và đang tích cực tuyên truyền đối với các tàu, thuyền đánh bắt trên biển phải thực hiện đúng theo Luật Thủy sản năm 2017. Đánh bắt đúng chủng loại, đúng ngư trường và bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình tham gia khai thác. Việc tuyên truyền của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cùng với chính quyền địa phương nâng cao sự hiểu biết cho bà con về pháp luật, những quy định khi tham gia khai thác trên biển”, ông Quang cho biết.
Lãnh đạo UBND xã Cảnh Dương cho rằng, những phần quà của Cảnh sát biển Việt Nam trao tặng cho ngư dân là những chiếc phao tròn, áo phao, cờ Tổ quốc… như tiếp thêm sức mạnh và góp phần bảo đảm an toàn cho bà con mỗi khi vươn khơi bám biển. Ngoài việc tặng quà, lực lượng Cảnh sát biển còn phát tờ rơi, tờ gấp hưỡng dẫn chi tiết, cụ thể các vùng biển mà ngư dân được phép đánh bắt, tần số các đài canh để bà con liên lạc khi có sự cố trên biển. Tất cả những điều đó đều đều hướng tới mục đích để bà con hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam khi tham gia đánh bắt trên biển.
Ông Nguyễn Minh Dương, chủ tàu cá QB 93007-TS chia sẻ: “Thông qua việc tuyên truyền và tặng quà của lực lượng Cảnh sát biển, bà con ngư dân chúng tôi thêm an tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chúng tôi đã hiểu hơn về các luật định, về quyền được khai thác ở các khu vực biển, những khu vực không được tham gia đánh bắt, không xâm phạm lãnh hải của nước bạn, chấp hành nghiêm luật pháp quốc tế và mong muốn EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với ngành Thủy sản Việt Nam”.
Cùng với việc tuyên truyền tập trung trên đất liền, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 còn cử các tổ tuyên truyền đi theo các tàu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát để trực tiếp đến tuyên truyền tại các tàu thuyền của bà con đánh bắt hải sản trên biển cũng như tuyên truyền tại các khu vực tàu thuyền neo đậu ở các địa phương ven biển mà đơn vị quản lý.
Thượng tá Lê Huy, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cho biết: “Trong quá trình tuyên truyền, chúng tôi tập trung tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam, giải thích cho ngư dân nắm được các quy định của pháp luật trong quá trình đánh bắt trên biển, không vi phạm vào vùng biển của nước ngoài, đánh bắt đúng luật. Chúng tôi mong muốn giúp bà con ngư dân có nhận thức đúng, chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế trong quá trình khai thác trên biển để từ đó góp phần gỡ “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu đưa ra đối với ngành Thủy sản Việt Nam”.