Ông Tô Đức Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lạc cho biết, đơn vị đã phối hợp kiểm tra tại các xã, thị trấn vận động, hỗ trợ 6 gia đình ở vị trí có nguy cơ cao di chuyển đến nơi ở tạm thời, bảo đảm an toàn người và tài sản...
Mưa lớn kèm theo gió mạnh xảy ra trên địa bàn huyện Hà Quảng đã gây ngập úng trên 200 héc ta ngô, lúa, hoa màu và cây thuốc lá; 10 ngôi nhà và nhiều tuyến đường tại các xã Lũng Năm, Tổng Cọt, Cải Viên, khu vực ven sông, suối các xã Trường Hà, Ngọc Đào và thị trấn Xuân Hòa bị ảnh hưởng. Ước tỉnh tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 2,3 tỷ đồng.
Ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng cho biết, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra tình hình ngập úng tại các xã và thống kê thiệt hại; tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lớn, lũ quét, lũ ống và sạt lở đất; duy trì trực ban. Các phòng, ban thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ và ba sẵn sàng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các giải pháp sơ tán khi xảy ra tình huống khẩn cấp; kịp thời tổ chức lực lượng tại chỗ ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra…
Bà Ma Thị Huyền Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Cao Bằng cho biết, từ ngày 23-30/5, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã gây hại hơn 5,8 tỷ đồng. Mưa lớn gây sạt lở đất, ngập úng tại các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hòa An, Nguyên Bình, Hà Quảng, Hạ Lang đã làm chết hai người; 72 nhà bị ảnh hưởng; trên 270 hécta đất trồng lúa, ngô, đỗ tương, thuốc lá bị ngập, đổ; 23 tuyến đường bị sạt lở; nhiều điểm kênh thủy lợi bị sạt lở, nứt, sập đổ...
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Cao Bằng, từ nay đến những ngày đầu tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có mưa; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đối với các địa phương trong tỉnh.
Để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Cao Bằng đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Các địa phương tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, tập trung sửa chữa lại nhà cửa, xử lý các điểm sạt lở, môi trường sau lũ, khôi phục sản xuất nông nghiệp...
Các sở, ngành tiếp tục chủ động phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra, đặc biệt là bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời.