UBND tỉnh Lai Châu vừa ban hành Công điện khẩn số 02/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, để đảm bảo việc xử lý ổ dịch, ngăn ngừa khả năng lan rộng ra các địa bàn khác, đồng thời ổn định tâm lý cho người chăn nuôi. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu UBND huyện Tam Đường tập trung chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, vùng dịch theo Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn châu Phi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Lai Châu.
Đối với UBND các huyện và thành phố khác chưa có dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi theo Chỉ thị 04/CT-UBND; tập trung thực hiện ngay công tác tiêu độc khử trùng, thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các tuyến đường vào huyện, thành phố để ngăn ngừa nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng với UBND huyện Tam Đường xử lý ổ dịch xảy ra trên địa bàn, không để lây lan ra diện rộng; phối hợp với huyện Tam Đường xác định ngay nguyên nhân dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn...
Tại Đà Nẵng, bà Trần Thị Tài, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng cho biết, Chi cục đang tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn trên địa bàn thành thành phố; tổ chức triển khai cho các cơ sở giết mổ lợn thường xuyên dọn vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng nề tường khu vực giết mổ, các khu vực xung quanh cơ sở giết mổ, cống rãnh, khu chăn nuôi nhốt động vật, khu thu gom xử lý chất thải. Chi cục cũng phân công cán bộ thú y thường xuyên giám sát, kiểm tra vệ sinh tiêu động khử trùng tại các cơ sở giết mổ.
Bên cạnh đó, Chi cục bổ sung cán bộ thú y tại Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên và Hòa Phước, đảm bảo trực 24/24 giờ, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn lưu thông qua trạm và nhập vào thành phố Đà Nẵng, thực hiện tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển lợn. Đồng thời, Chi cục xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm độc vật không rõ nguồn gốc.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, ngành đang triển khai giám sát gắt gao các cửa khẩu; thành lập nhiều chốt trạm thú y kiểm dịch tại các cửa ngõ trên Quốc lộ 13 kết nối với khu vực Đông Nam bộ; Quốc lộ 14 giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và đường ĐT741… để đề phòng dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa phương.
Các lực lượng chức năng đang tập trung cao điểm giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Các đơn vị cũng tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch qua biên giới. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm chỉ đạo giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn.
Đồng Nai được coi là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước với đàn lợn hơn 2,5 triệu con. Dù dịch tả lợn châu Phi chưa xâm nhập vào Đồng Nai, song nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở đây là rất lớn, ngày 21/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai làm Trưởng Ban.
Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ lợn từ các địa phương khác lưu thông qua địa bàn tỉnh. Xứ lý nghiêm hành vi buôn bán, giết mổ trái phép, không đảm bảo vệ sinh. Khi phát hiện lợn có dấu hiệu nghi ngờ lập tức đưa đi xét nghiệm, trường hợp nhiễm dịch tả lợn châu Phi thì tiêu huỷ.