Phủ sóng trạm cấp cứu vệ tinh
Trước tình hình giao thông tại TP Hồ Chí Minh luôn kẹt xe, tắc nghẽn ở nhiều tuyến đường trong nội thành, nhiều bệnh nhân không may bị tai nạn hoặc bị bệnh nặng, nguy kịch đã không kịp được đưa vào bệnh viện sớm nhất để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh có một trung tâm cấp cứu 115 được thành lập năm 2013, nhưng do khó khăn về cơ sở hạ tầng và nhân sự nên cũng đã không đáp ứng được nhu cầu cấp cứu người dân. Với những khó khăn đó, ngành y tế thành phố đã nghiên cứu mô hình cấp cứu ngoài bệnh viện của các nước phát triển trên thế giới và vận dụng thực tiễn vào TP Hồ Chí Minh.
Đảm bảo trong năm 2017, mỗi quận huyện có ít nhất một trạm cấp cứu vệ tinh để đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. |
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết sau khi nghiên cứu mô hình cấp cứu ngoại viện tại các nước phát triển, ngành y tế thành phố đã triển khai song song hai mô hình cấp cứu, đó là phủ sóng mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh 115 ở tất cả các quận, huyện và thực hiện quy trình "báo động đỏ liên viện". Theo đó, các trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại các bệnh viện sẽ tận dụng “thời gian vàng trong điều trị”, tiếp cận hiện trường nhanh nhất và xử lý cấp cứu nạn nhân không quá 5 phút kể từ khi tiếp nhận thông tin. Còn quy trình “báo động đỏ liên viện” cứu sống người bệnh trong trường hợp nguy kịch, cần sự phối hợp tham gia, can thiệp của nhiều chuyên gia y tế đến từ các khoa trong bệnh viện hoặc đến từ các bệnh viện đầu ngành của thành phố.
Là trạm cấp cứu vệ tinh thứ 20 của thành phố, bác sĩ Đỗ Thành Tuấn, Giám đốc bệnh viện quận 4, cho biết trung bình mỗi ngày khoa cấp cứu bệnh viện quận 4 tiếp nhận từ 70 - 80 bệnh nhân đến từ quận 4 và các quận giáp ranh như quận 1, quận 7, quận 8... Trong đó, có rất nhiều trường hợp ngưng tim, ngưng thở trước lúc nhập viện. “Quận 4 là một quận nội thành, có đường sá giao thông thuận tiện, nhưng cũng có hệ thống đường hẻm nhỏ hẹp, chằng chịt, đây là một trở ngại trong việc tiếp cận hiện trường khi cấp cứu người bệnh. Do đó, việc triển khai hoạt động trạm cấp cứu vệ tinh tại bệnh viện là một nhu cầu cần thiết để tận dụng thời gian vàng tiếp cận hiện trường sơ cứu, cấp cứu kịp thời những trường hợp nguy kịch”, bác sĩ Tuấn cho biết thêm.
Bác sĩ Lê Hoàng Quý, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh, cũng cho biết, để đáp ứng hoạt động sơ cứu, cấp cứu của trạm vệ tinh, Bệnh viện Bình Thạnh đã tổ chức 2 êkíp y bác sĩ trực cấp cứu với mỗi êkíp gồm 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng và 1 lái xe luôn sẵn sàng trực cấp cứu 24/24 giờ. Khi có cuộc gọi yêu cầu, êkíp trực cấp cứu sẵn sàng xuất xe tiếp cận nhanh hiện trường để tận dụng thời gian vàng cứu chữa bệnh nhân kịp thời, an toàn. Đồng thời, bệnh viện tổ chức 10 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng số lượng giường bệnh cấp cứu lên 18 giường khi có nhu cầu cấp cứu khẩn cấp. Kết hợp với êkíp trực cấp cứu nội viện, êkíp trực cấp cứu vệ tinh còn có sự phối hợp của các chuyên khoa ngoại, nội ngoại thận, sản... để xử trí những trường hợp cấp cứu chuyên khoa với một êkíp trực phối hợp hỗ trợ khoảng 30 nhân sự và bố trí khoảng 30 giường bệnh, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong mỗi đêm trực.
Hiệu quả bước đầu
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở đã xây dựng 3 phương thức để các bệnh viện đăng ký tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh. Cụ thể, bệnh viện chịu trách nhiệm hoàn toàn về tổ chức trạm vệ tinh về cơ sở hạ tầng, xe cấp cứu và đội ngũ nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện; bệnh viện chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng, một phần về xe cấp cứu và đội ngũ nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện; bệnh viện chịu trách nhiệm cơ sở hạ tầng, trung tâm cấp cứu 115 chịu trách nhiệm hoàn toàn về xe cấp cứu và nhân viên cấp cứu ngoại viện.
Đến nay, thành phố đã có 21 trạm cấp cứu vệ tinh được thành lập tại 4 cửa ngõ và trạm trung tâm, đảm bảo trong năm 2017, mỗi quận huyện đều có ít nhất 1 trạm cấp cứu vệ tinh để có thể phục vụ nhân dân khi có yêu cầu gọi đến tổng đài 115. Thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho thấy, cả năm 2014 chỉ có 6.805 cuộc gọi cấp cứu 115 thì chỉ trong 10 tháng năm 2016, Trung tâm cấp cứu thành phố đã nhận được 11.854 cuộc gọi, tăng gần 200% so với năm 2014. Điều này cho thấy người dân đã tin tưởng hơn vào mạng lưới cấp cứu 115 của thành phố. Nhờ vậy, từ khi triển khai đến nay, đã có 30 trường hợp bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch đã được cứu sống. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2016 đã có 6 trường hợp nguy kịch được cứu sống nhờ can thiệp phẫu thuật ngay tại các bệnh viện không đủ năng lực thực hiện. Bác sĩ Tăng Chí Thượng cho biết, nếu theo cách làm cũ là chuyển viện thì nguy cơ tử vong rất cao.
Để mạng lưới cấp cứu 115 của thành phố ngày càng hoạt động hiệu quả, bác sĩ Tăng Chí Thượng cho hay đã trình lên UBND TP Hồ Chí Minh “Đề án đào tạo chuyên viên cấp cứu ngoại viện” và đề xuất với lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho trung tâm cấp cứu 115 với một hệ thống điều hành thông minh, vận hành hiệu quả mạng lưới các trạm cấp cứu 115 vệ tinh.
Việc xây dựng trung tâm điều hành thông minh sẽ không chỉ giúp mạng lưới cấp cứu vệ tinh hoạt động hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn mà còn tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu cấp cứu, đều có thể được đáp ứng nhanh nhất, an toàn nhất.