Cùng với nhu cầu sử dụng ô tô tham gia giao thông gia tăng của người dân, tình trạng mua bán, sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả ở nhiều địa phương thời gian qua đang trở nên nhức nhối. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận. Trước thực trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự kiến quý II/2012 sẽ cấp GPLX theo mẫu mới, có những tính năng công nghệ bảo mật cao, chống làm giả trên toàn quốc, nhằm quản chặt đội ngũ lái xe ngay từ gốc.
Giấy phép lái xe giả, SOS!
Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), trong năm 2011, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện khoảng 1.500 GPLX giả và tẩy xóa các loại.
Giấy phép lái xe giả bị công an tỉnh Vĩnh Long phát hiện và thu giữ để xử lý. |
Đáng chú ý là số GPLX giả này đều được các đối tượng sử dụng kỹ thuật sao chụp chữ ký, dấu tròn hết sức tinh vi, nên nếu chỉ nhìn lướt qua rất khó phát hiện được thật giả. Còn theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra hơn 11.000 vụ TNGT, làm chết hơn 9.000 người, không ít trong số các vụ TNGT nghiêm trọng gây chết người có nguyên nhân bắt nguồn từ việc sử dụng GPLX giả, lái xe không được đào tạo bài bản.
Trao đổi với đại diện các Phòng CSGT ở các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nghệ An chúng tôi thấy... có một thực tế đáng lo ngại là nhiều người dân ở địa phương muốn có GPLX nhưng "lười" đến các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe để học lấy bằng, cộng với nhiều người chưa đủ tuổi cấp GPLX nhưng vẫn muốn sớm "sở hữu" GPLX và các trường hợp này chỉ bị “lật tẩy” khi được lực lượng CSGT phát hiện, bắt giữ nếu vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Theo Thượng tá Nguyễn Duy Đông - Phó trưởng Phòng CSGT tỉnh Nghệ An, lực lượng CSGT địa phương đang thu giữ hàng trăm GPLX ô tô giả. Qua quá trình xử lý vi phạm, khi phát hiện dấu hiệu GPLX giả, tiến hành khai thác làm rõ, nhiều lái xe khai nhận trước đây chỉ là phụ xe hoặc lái xe tải, còn GPLX giả được mua trong những lần nghỉ chân dọc đường, có người đến gạ bán và cũng không rõ tung tích người bán. Chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân phô tô và nộp ảnh, lúc nào có GPLX thì “tiền trao, cháo múc”.
Cục CSGT Đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho biết hiện đang lưu giữ hàng ngàn GPLX giả các loại của các địa phương từ các chiến dịch bóc gỡ, phanh phui và điều tra hậu các vụ TNGT. Tuy nhiên, đến nay, vấn nạn này chưa được nhìn nhận như một hiểm họa dẫn đến TNGT, khiến công tác tuyên truyền, xử lý hạn chế và đáng báo động!. GPLX giả bị phát hiện thường có 2 loại: GPLX được làm bằng phôi thật, giả mạo con dấu chữ ký, không có hồ sơ và GPLX làm giả hoàn toàn. Đối tượng sử dụng GPLX giả cũng có 2 loại: Sử dụng GPLX giả làm bằng “sơ cua” đối phó với cơ quan chức năng khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đồng thời “giữ an toàn” cho GPLX “xịn” và những người dân, bà con vùng sâu, vùng xa do hạn chế về nhận thức, trình độ, ngại thi, sợ thi, nên bị các đối tượng lợi dụng lừa gạt.
Thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông phối hợp kiểm tra giấy tờ xe taxi. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Gần đây nhất, là vụ Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ phá vụ án, sản xuất và tiêu thụ 500 GPLX giả, qua đó lật tẩy các phương thức tinh vi trong quy trình làm GPLX giả tuôn ra thị trường của các đối tượng cầm đầu, từ việc làm giả GPLX bằng công nghệ in màu, đến giả mạo chữ ký, con dấu của các cơ quan chức năng để hoàn chỉnh hồ sơ thi sát hạch. Với giá GPLX giả 10 triệu đồng/chiếc hạng B2, hạng C từ 15 -16 triệu đồng, nhiều GPLX giả đã trót lọt và hậu quả, cũng như việc thu lời bất chính không cơ quan nào quản lý được. Còn tại TP Hà Nội, qua khai thác các đối tượng sử dụng GPLX giả bị bắt giữ, không khỏi giật mình với giá mua GPLX chỉ với giá 2,5 - 3 triệu đồng/chiếc... Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng, không cần đi học, đi thi, nhiều lái xe đã sở hữu được GPLX ô tô giả để điều khiển xe lưu thông trên đường, coi thường tính mạng của chính mình và người đi đường. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng thời gian qua.
Đối tượng dùng GPLX giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang gấp rút các bước cuối cùng để triển khai dự án đổi GPLX mẫu mới, áp dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ có thể hạn chế nạn làm GPLX giả. GPLX ô tô giả hiện nay đều được mua với giá đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự (trên 2 triệu đồng), do đó hoàn toàn có đủ căn cứ để xử lý hình sự, cả đối với đối tượng sử dụng để tăng tác dụng giáo dục, răn đe. |
Thực trạng GPLX giả nêu trên đã kéo theo hệ quả là những vụ TNGT thảm khốc liên tục xảy ra, không chỉ gây bức xúc dư luận, mà còn làm đau đầu các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý chưa đủ sức răn đe, việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn... đã tạo điều kiện cho các đối tượng làm giả GPLX có đất dụng võ. Chưa kể, thực tế hầu hết CSGT của các địa phương trong quá trình kiểm soát chỉ dùng mắt thường để phân biệt GPLX thật, giả và chỉ đến khi thấy nghi ngờ, điều tra sau tai nạn mới chuyển cơ quan điều tra làm rõ, khiến tình tiết nhiều vụ bị giảm nhẹ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ TNGT nghiêm trọng, trong đó nguyên nhân do người điều khiển phương tiện trình độ tay lái còn yếu và sử dụng GPLX giả. Do đó, việc ngăn chặn thực trạng này đang là nhiệm vụ cấp bách.
Thắt chặt quản lý bằng mẫu GPLX mới Việc tràn lan dịch vụ cung cấp GPLX giả đã và đang cảnh báo về những hệ lụy phát sinh. Bởi nhiều người dân thiếu ý thức, với tâm lý "đối phó" lại cơ quan chức năng khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã tìm đến những “dịch vụ” vi phạm này thay vì tới các trung tâm, cơ sở đào tạo sát hạch lái xe để thi lấy bằng theo đúng quy định. Để rồi khi TNGT xảy ra thì đã quá muộn. Đáng bàn, nhiều đối tượng kinh doanh "mặt hàng" này còn tổ chức thành các đường dây cung cấp dịch vụ liên tỉnh với số lượng lớn, gây bức xúc dư luận.
Điều tra, phát hiện các tổ chức làm GPLX giả không đơn giản Đại úy Trần Đình Thắng, Đội phó Đội cảnh sát kinh tế, ma túy (Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Để tìm ra nguồn gốc của các tổ chức làm GPLX giả không hề đơn giản, bởi vì chỉ khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng lái xe vi phạm hoặc gây tai nạn mới biết họ sử dụng GPLX thật hay giả. Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp, các lái xe đều trả lời vòng vo, né tránh, gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng điều tra nguồn gốc GPLX giả. Trong khi đó, các tổ chức, đường dây sản xuất GPLX giả có thể nằm ở tất cả các tỉnh, thành phố và móc nối liên kết với nhau dưới nhiều hình thức tinh vi. |
Đại diện các Đội CSGT (Công an TP Hà Nội) đều cho biết: Việc đấu tranh đối với các trường hợp điều khiển phương tiện sử dụng GPLX giả gây TNGT thật không đơn giản chút nào. Vì khi kiểm tra do việc phân biệt GPLX thật, giả chưa có chứng cứ rõ ràng nên các lái xe tìm mọi cách chống đối, thách đố lực lượng làm nhiệm vụ. Đối với các loại xe chở khách, tâm lý của hành khách là muốn đi nhanh, nên không ủng hộ việc kiểm tra của lực lượng CSGT, cho rằng CSGT gây phiền hà, sách nhiễu. Do đó, việc sớm triển khai GPLX mẫu mới, với những tính năng bảo mật, chống làm giả hiện nay cần được triển khai càng sớm càng tốt.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện, cả nước có khoảng 2,5 triệu GPLX ô tô các loại và 28 triệu GPLX mô tô. Trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo ATGT và hiện trạng quản lý GPLX còn nhiều khó khăn, bất cập, nên việc thay đổi mẫu GPLX theo hướng hiện đại, quản lý GPLX theo công nghệ thông tin đang được gấp rút hoàn thiện bộ máy tại các địa phương. Dự kiến, mẫu GPLX mới sẽ được cấp mới vào quý II/2012, có kích thước phù hợp với thông lệ quốc tế (như chiếc thẻ ATM), làm bằng vật liệu có độ bền cao, có sử dụng ngôn ngữ quốc tế, có tính bảo mật và khả năng chống làm giả, tích hợp được các loại GPLX vào làm một, sẽ không chỉ tạo điều kiện để cơ quan, đơn vị doanh nghiệp tìm kiếm, quản lý người lái xe mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng GPLX cấp đổi và thực hiện các mục tiêu minh bạch trong quản lý GPLX.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đã cơ bản hoàn thành và chỉ còn chờ thống nhất mức lệ phí cấp đổi và hoàn thiện bộ máy ở địa phương. Bộ GTVT đang tính toán mức lệ phí hợp lý trước khi đề xuất Bộ Tài chính có quy định chính thức về mức thu lệ phí cấp đổi GPLX theo mẫu mới. Dự kiến mức thu đối với mỗi GPLX sẽ tăng gấp 4 - 5 lần so với mức 30.000 đồng/GPLX như hiện nay. Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Sở GTVT các địa phương khẩn trương có kế hoạch trang bị hệ thống máy chủ, máy tính, thiết lập đường truyền mang cùng một số thiết bị phụ trợ khác. Bên cạnh đó, chủ động bố trí cán bộ am hiểu công nghệ thông tin và chuyên ngành để triển khai quản lý sau này.
Nguyễn Tiến