Túi nilon tái chế vẫn "chiếm lĩnh" thị trường
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7-8%. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.
Các nhà khoa học phân tích, trong môi trường tự nhiên, túi nilon cần vài trăm năm đến một nghìn năm mới phân hủy hết. Nếu không được thu hồi hoặc chôn lấp, túi nilon sẽ gây ô nhiễm đất và nước, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người, còn khi đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…
Mặc dù gây hại cho cả môi trường và sức khỏe con người nhưng vì sao túi nilon vẫn tồn tại? Qua khảo sát của phóng viên tại nhiều chợ của Hà Nội, các tiểu thương đều sử dụng túi ni lông thông thường để bán hàng cho khách. Chị Nguyễn Phương Lan, tiểu thương chợ Bưởi (Cầu Giấy), cho biết, chị cũng như các tiểu thương khác không quan tâm đến túi thân thiện môi trường hay không, chỉ cần loại nào rẻ thì dùng. Hơn nữa muốn mua túi nilon thân thiện môi trường cũng không biết mua ở đâu, vì đi cả chợ cũng không kiếm nổi một hàng bán.
Điều nghịch lý là dù phải chịu thuế môi trường từ 30.000 – 50.000 đồng/kg nhưng hiện loại túi nilon thông thường bán ở các chợ lại có giá rẻ hơn hẳn so với túi ni lông thân thiện, chỉ từ 23.000 đồng đến 50.000 đồng/kg.
Trong khi túi ni lông có mặt ở mọi nơi thì túi thân thiện chỉ có mặt trong các siêu thị và chi phí sản xuất túi ni lông thân thiện cao hơn túi ni lông thông thường 10% nên khi bán ra thị trường có giá 50.000 đồng/kg và không phải chịu thuế môi trường.
Nhiều nơi ngập rác túi nilon. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN |
Thay đổi từ thói quen tiêu dùngTheo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề này như ban hành lệnh cấm sản xuất túi nilon khó phân huỷ, đánh thuế nặng đối với sản xuất túi nilon…
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) quy định đơn vị sản xuất túi nilon khó phân hủy, không thân thiện với môi trường sẽ bị đánh thuế 40.000 đồng/kg, còn nếu sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường thì không phải đóng thuế.
Mới đây, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BVMT đang được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến, cùng với xăng dầu thì túi nilon cũng là mặt hàng trong diện điều chỉnh tăng mạnh khung thuế BVMT với mức tăng có thể gấp 4 lần.
Bộ Tài chính cho biết, mức thuế bảo vệ môi trường với túi nilon hiện là 40.000 đồng/kg, tương đương khoảng 200-400 đồng/túi (1kg túi nilon có thể có từ 100-200 túi). Vì vậy, cùng với các biện pháp quản lý khác, Bộ Tài chính cũng đề nghị điều chỉnh khung mức thuế BVMT đối với mặt hàng này tăng từ mức 30.000-50.000 đồng/kg hiện tại lên 40.000-200.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đẩy lùi việc sử dụng túi nilon tràn lan như hiện nay, bên cạnh những biện pháp về tăng thuế, điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh…