Bất chấp pháp luật
Lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép rất lớn, dù không được cấp phép hay có phép nạo vét và duy tu luồng lạch, nhưng các cá nhân, đơn vị vẫn cố ý vi phạm để rút ruột sông, hồ, ăn cắp tài nguyên quốc gia, tàn phá môi trường. Người dân và chính quyền ra sức phản đối thì bị đe dọa.
Khúc sông Lô thuộc địa phận huyện sông Lô (Vĩnh Phúc), bị các tàu khai thác cát múc sâu vào đất sản xuất của người dân. |
Ngày 13/3/2017, tại bãi bồi khu vực giữa 3 tỉnh Thái Bình - Hưng Yên - Hà Nam đã xảy ra vụ cát tặc dùng súng bắn vào những người phản đối khai thác cát. Người dân ở đây cho biết: “Các tàu hút cát đã khai thác cát cả ngày lẫn đêm, gây sạt lở đất sản xuất và tiếng ồn của máy nổ ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Hoạt động này diễn ra từ lâu buộc người dân phải tập trung phản đối, xua đuổi tàu ra xa thì người trên tàu hút cát nổ súng đe dọa”.
Không chỉ đe dọa, gây trọng thương cho người dân, các đối tượng khai thác cát trái phép còn nhắn tin đe dọa cả Chủ tịch UBND Bắc Ninh, khi tỉnh đề nghị dừng dự án khai thác cát, nạo vét luồng lạch tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu. Vụ việc nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã báo động sự lộng hành của “cát tặc”. Trước sự việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau "bảo kê", đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và địa phương.Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu nơi nào để xảy ra sai phạm trong quản lý khai thác cát sỏi thì kiên quyết xử lý nghiêm chính quyền địa phương và người đứng đầu. |
Ngay tại thủ đô Hà Nội, từ ngày 17 - 21/2/2017, trên khúc sông Hồng thuộc địa bàn giáp ranh giữa phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), xã Tào Xá, xã Xuân Canh của huyện Đông Anh, hàng chục con tàu của Công ty cổ phẩn Việt Xuân Mới hối hả hút cát ngày đêm. Mặc dù từ 30/12/2016, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có Văn bản số 2790 yêu cầu Công ty cổ phẩn Việt Xuân Mới phải dừng toàn bộ hoạt động thi công nạo vét trên đoạn sông này.
Đấu tranh quyết liệt
Trao đổi về tình hình hoạt động khai thác cát trái phép, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cho rằng rất khó để quản lý, vì giáp ranh với địa bàn Hà Nam. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, nhưng các tàu khai thác cát trái phép lại di chuyển sang tỉnh bên nên không thể xử lý được. Mặc dù các tỉnh có địa phận sông giáp ranh ký kết văn bản phối hợp nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra. Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng cho rằng cần phải rà soát lại các dự án nạo vét.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành thì cho hay, địa bàn tỉnh có 3 con sông chảy qua, tình hình khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp. Theo ông Thành, đã xuất hiện các dự án lợi dụng khơi thông luồng lạch để tận thu cát dưới lòng sông, gây ảnh hưởng lớn đến đê điều. “Quan điểm của Bắc Ninh là phải ngăn chặn bằng được các dự án gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng cường khả năng phòng chống thiên tai và nhận được sự đồng thuận của người dân”, ông Thành nhấn mạnh.Theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), ngoài hoạt động khai thác cát không phép, từ năm 2008 đến 2015, đơn vị đã cấp phép 66 dự án nạo vét sông, nhưng đã có 51 dự án bị chấm dứt hợp đồng, trong đó có 22 dự án khai thác cát bị thu hồi giấy phép. |
Trả lời phóng viên về việc trách nhiệm của chủ đầu tư khi để đơn vị thi công thực hiện nạo vét không đúng quy định, ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) thừa nhận để xảy ra tình trạng hoạt động khai thác cát trái phép thuộc trách nhiệm lãnh đạo đơn vị này. Ông Thọ cho biết, ngoài dự án nạo vét do Bộ Giao thông vận tải cấp, còn có 600 mỏ cát thuộc quản lý của các địa phương. Công tác cấp phép ra - vào các mỏ cát này không chặt chẽ dẫn đến tình trạng phức tạp. Tại Kết luận thanh tra số 13731 ngày 21/11/2016 của Bộ Giao thông vận tải về việc chấp hành các quy định trong công tác bảo trì, nạo vét đường thủy nội địa, đã nêu đa số các nhà đầu tư không đủ năng lực về trang thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án nạo vét đường thủy nội địa.
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), Chính phủ cần có một quy hoạch tổng thể tài nguyên cát, sỏi và công khai vị trí được quyền cấp phép khai thác, dự án khơi thông luồng lạch, để các địa phương có căn cứ để kiểm tra, quản lý và thực hiện. Bất kỳ nơi nào khai thác tài nguyên cát không trong qui hoạch sẽ bị xử lý theo pháp luật. “Cát tặc” là hệ quả của sự mất kiểm soát, của kiểu khai thác “mạnh ai nấy làm”, của cơ chế xin - cho; cũng không loại trừ việc một số nơi chính quyền thông đồng, dung túng hoặc một thế lực nào đó “chống lưng” cho “cát tặc”. Muốn triệt để thanh toán vấn nạn “cát tặc” phải bắt đầu từ sự lập lại kỷ cương, trách nhiệm của hệ thống chính quyền, các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản.