Bà Lê Thị Lan ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk có con gái út là cô giáo Trần Lê Thị Huyền Trang, sinh năm 1990 không may bị bệnh teo não. Gia đình bà đã đưa con gái đi điều trị ở các bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không hiệu quả, Trang được cho về nhà để tập vật lý trị liệu. Cách đây 3 tháng, bệnh tình trở nặng, cô giáo Trang vô cùng tiều tụy còn gia đình hoàn toàn kiệt quệ cả về kinh tế lẫn tinh thần. Biết được hoàn cảnh của cô giáo Trang, Trung úy Nguyễn Trung Hải đã đăng thông tin lên mạng xã hội, kêu gọi được hơn 300 triệu đồng hỗ trợ gia đình, có thầy thuốc Đông y ở thành phố Buôn Ma Thuột cam kết sẽ kiên trì đồng hành điều trị bệnh cho cô giáo trẻ.
Bà Lan xúc động chia sẻ, nhờ sự giúp đỡ của chú Hải mà gia đình đã có thêm nguồn lực, nhất là có thầy thuốc giúp đỡ nên gia đình bà được tiếp thêm động lực để điều trị bệnh cho con. Sau 3 tháng kiên trì dùng thuốc và điều trị bằng Đông y, hiện bệnh của cô giáo đã tiến triển tốt, các cơn đau giảm nhiều, nhận thức của người bệnh rõ hơn trước. Bà Lan rưng rưng xúc động, liên tục nói cảm ơn Trung úy Hải và cộng đồng đã tích cực giúp đỡ gia đình bà.
Tương tự, bà Lê Thị Tơ, 64 tuổi, ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar xúc động chia sẻ, nhờ sự tận tình giúp đỡ của chú Hải, hoàn cảnh gia đình nhà bà mới ổn định, kinh tế dần đi lên. Nhà bà Tơ không có nương rẫy, chồng mất sớm, bà lại liên tục đau ốm, một người con bị tật nguyền. Trước đây, cả gia đình 7 người phải chen chúc trong một căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo. Tháng 1/2019, Trung úy Hải đã kêu gọi được nguồn lực hỗ trợ 80 triệu đồng để bà Tơ làm lại nhà và mua một cặp dê sinh sản. Hiện nay nhà bà đã có 4 con dê. Cả gia đình đã được ở trong ngôi mà mới vững chãi, có động lực làm kinh tế, ổn định đời sống, cho các cháu được đến trường...
Trung úy Nguyễn Trung Hải là người con của một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Cao Bằng. Gia đình đã chuyển đến vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, khi lớn lên, anh Hải nhập ngũ. Trải qua nhiều đơn vị công tác, năm 2010 anh chuyển đến công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’Gar làm nhân viên quân sự địa phương.
Xuất phát từ những chuyến đi công tác cơ sở, chứng kiến nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Trung úy Nguyễn Trung Hải đã lấy thông tin, chụp hình rồi viết bài, đăng lên mạng xã hội và cộng tác với các báo, nhờ đó nhận được hỗ trợ cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi khi giúp được một người, anh lại có thêm động lực để giúp nhiều người hơn."
Năm 2015, Trung úy Nguyễn Trung Hải thành lập nhóm từ thiện Cư M’Gar, ban đầu chỉ có 10 người, đến nay, nhóm đã có hơn 100 tình nguyện viên trong đó có cán bộ các ban ngành trong huyện, giáo viên, lực lượng vũ trang, phóng viên một số báo đài ở Đắk Lắk và các hộ buôn bán cùng nhân dân trong tỉnh. Ngoài hỗ trợ đột xuất, thăm hỏi, động viên, nhóm còn hỗ trợ nhà tình thương, lợn hoặc dê giống để các hộ nghèo chăn nuôi tăng đàn, có công cụ để phát triển kinh tế.
Trong những lần đi làm từ thiện, Trung úy Hải ấn tượng nhất là trường hợp 5 chị em trẻ mồ côi ở buôn H’Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar. Khi bố mẹ mất, 5 chị em mới chỉ từ 7-14 tuổi, ai cho gì ăn nấy, bữa đói nhiều hơn bữa no. Năm 2014, sau khi thông tin anh viết được đăng tải trên báo, Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng) đã nhận đỡ đầu 5 chị em. Đến nay, người chị đầu đã lấy chồng, đang làm công nhân tại Binh đoàn 16, các em còn lại được Binh đoàn 16 tạo điều kiện học hành, chăm sóc chu đáo. Đó là "quả ngọt" khiến Trung úy Hải hạnh phúc nhất, tự hào nhất.
Trung úy Nguyễn Trung Hải chia sẻ, anh luôn công khai sự giúp đỡ của cộng đồng với các trường hợp khó khăn, ghi chép cụ thể và công bố danh sách người ủng hộ, có biên bản và hình ảnh bàn giao trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Ngoài giúp đỡ bệnh nhân bệnh hiểm nghèo, trẻ mồ côi và hộ nghèo, Trung úy Hải còn vận động, tặng hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó và tích cực vận động hiến máu cứu người.
Trong công tác chuyên môn, Trung úy Nguyễn Trung Hải đã nỗ lực thực hiện tốt công tác dân vận, thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương. Anh còn là điển hình tiên tiến trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được đơn vị biểu dương, nêu gương. Nhiều năm liền, anh được Quân đội, cấp ủy chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể… tặng Bằng khen, giấy khen, danh hiệu.
Thượng tá Phạm Tuấn Khiêm, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’Gar cho biết, Trung úy Nguyễn Trung Hải là người trung thực, cầu tiến, có tinh thần trách nhiệm với công việc. Các hoạt động xã hội của Trung úy Hải được Đảng ủy Ban Chỉ huy Quân sự huyện, cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn đánh giá cao. Hàng năm, Ban Chỉ huy Quân sự huyện luôn quan tâm, động viên, tạo điều kiện cho Trung úy Hải vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đơn vị vừa có điều kiện để có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa giúp đỡ nhân dân.
Với tâm niệm “Sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình”, Trung úy Nguyễn Trung Hải vẫn đang ngày đêm lặn lội tìm kiếm những hoàn cảnh éo le để kịp thời giúp đỡ họ vượt qua khó khăn. “Tiếng lành đồn xa”, việc làm của anh đã tạo được niềm tin yêu của cộng đồng xã hội và nhân dân, tạo dựng được thế trận lòng dân vững chắc, xứng danh anh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới.