Cây trồng biến đổi gen: Không thể “đi tắt”

Chưa lường hết hiểm họa

Sáng 5/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức tọa đàm: “Phát triển cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam” với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về sinh học, cây trồng.

Nghiên cứu giống ngô biến đổi gen tại Viện Di truyền nông nghiệp. Ảnh: Lê Phú


Trồng hay không trông cây biến đổi gen (BĐG) vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong giới khoa học. Hiện nay trên thế giới có 3 nhóm quốc gia với những quan điểm khác nhau: Nhóm thứ nhất hoàn toàn ủng hộ gồm Mỹ, Canađa, Mêhicô, Braxin, Áchentina, Trung Quốc, Ấn Độ và Ôxtrâylia. Nhóm thứ hai không ủng hộ là các quốc gia châu Âu. Nhóm thứ ba có thái độ trung gian, chờ đợi.

Ngay trong cuộc tọa đàm này, cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên phổ biến cây trồng BĐG. Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, cây trồng BĐG là công nghệ tiên tiến, cho năng suất, chất lượng cao, giúp giảm bớt lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... giúp người nông dân bảo vệ sức khỏe. Do vậy, không thể chậm chễ nhưng cũng cần thận trọng.

Còn bà Lê Thị Phi Vân, Viện chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nói: “Tôi đã gọi điện đi các tỉnh có trồng thử các loại cây BĐG, các địa phương đều phản ánh năng suất không hề tăng lên mà sâu bệnh lại nhiều hơn. Trong khi đó, giá giống lại tăng gấp 5 lần so với giống cây bình thường. Năm 1999, Việt Nam có 32.000 ha bông thì đến nay chỉ còn 5.000 ha”.

Hiện nay, Chính phủ mới chỉ cho phép khảo nghiệm 3 loại cây trồng BĐG là ngô, đậu tương và bông vải. Từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới bắt đầu thực hiện khảo nghiệm 7 giống ngô BĐG.

Cây BĐG còn có nhiều hiểm họa mà các nhà khoa học chưa kiểm chứng được hết. PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm, Viện Nghiên cứu lúa, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đưa ví dụ: Cây BĐG có thể thay đổi cấu trúc prôtêin tồn tại trong tế bào cơ thể bò, khi thay đổi cấu trúc không gian tạo thành dạng không bình thường gây bệnh bò điên hay còn gọi là bệnh xốp não. Thực phẩm BĐG có thể làm thay đổi nhiều quá trình trao đổi chất trong tế bào: Trâu, cừu ở Ấn Độ chết khi ăn cây bông chuyển gen; người trồng bông BĐG dị ứng, biến đổi màu từng vùng trên da...

Cùng quan điểm trên, GS.VS. Trần Đình Long Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, loại thực phẩm từ các cây trồng BĐG tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe cộng đồng như khả năng gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra các độc tố và gây độc lâu dài cho cơ thể.

Kết quả thí nghiệm của các nhà khoa học Nga cho thấy, chuột ăn đậu tương BĐG đã mất khả năng sinh sản. Kết luận này cũng phù hợp với kết quả của các đồng nghiệp ở Pháp và Áo khi chứng minh được ngô BĐG gây hại cho động vật có vú, Pháp đã ngay lập tức cấm việc sản xuất và buôn bán sản phẩm này”, ông Long nói.

Thận trọng từng bước

Đa số các đại biểu tại buổi tọa đàm đều cho rằng, Việt Nam chưa nên phát triển cây trồng biến đổi gen trên diện rộng.

Đi tắt đón đầu có thể gây hậu họa khôn lường. Vì gen mới tạo ra sẽ tồn tại như một thực thể của tự nhiên không thể loại bỏ, dù phát hiện thấy dấu hiệu bất lợi cần loại bỏ’, PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm nêu quan điểm.

GS.VS. Trần Đình Long Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cũng cho rằng: "Cần có thời gian đánh giá. Không thể đưa vào chuỗi sản phẩm cho người và động vật khi chưa có kết quả đánh giá chính xác”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, các đơn vị tiếp cận đối với giống cây trồng BĐG phải tiếp thu một cách tích cực nhưng thận trọng, thực hiện chặt chẽ theo quy đinh pháp luật, tranh thủ kinh nghiệm của các nước và sự hợp tác quốc tế.

Đối với việc sử dụng giống ngô BĐG ở Việt Nam, ông Bổng cho biết, Bộ mới hoàn tất phần khảo nghiệm, đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường, còn phải thực hiện nhiều bước tiếp theo như Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Y tế xét cấp các loại giấy chứng nhận khác.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN